Đạo đức công vụ, xét về lý luận, trước hết là một dạng của đạo đức, được dựa trên đạo đức nói chung. Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, được hiểu là đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức; là những giá trị và chuẩn mực đạo đức được áp dụng cho một nhóm người nhất định trong xã hội - cán bộ, công chức trong lĩnh vực hoạt động cụ thể là công vụ. Đạo đức công vụ là hệ thống các chuẩn mực quy định nhận thức và hành động được xem là tốt hay xấu, là nên hay không nên làm trong hoạt động công vụ của người cán bộ, công chức nhằm xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp và trong sạch, tận tụy, công tâm. Đạo đức công vụ bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công.
Nói cách khác, đạo đức công vụ là phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ. Không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vấn đề nâng cao đạo đức công vụ là hết sức quan trọng. Nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quan có thể thấy, đại bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức đã cố gắng để vượt qua khó khăn, thử thách trong thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp phần quyết định vào thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều xuất thân từ nhân dân, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước lại chủ yếu là do nhân dân đóng thuế. Cho nên, xét về mặt đạo lý và lương tâm con người, cán bộ, công chức, viên chức tất phải yêu dân, kính trọng dân, thương dân, bảo vệ dân, vì dân phục vụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: cán bộ là “công bộc của dân”, bởi vậy, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất cũng phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chính trị ổn định, kinh tế phát triển vượt bậc, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Có được thành công đó là do Đảng ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công chức kết tinh bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, anh dũng chiến đấu, hy sinh, phấn đấu, đi đầu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đặc biệt, có những cán bộ, công chức giàu sang không thể cám dỗ, uy vũ không thể khuất phục, tự nguyện hy sinh, hiên ngang ngay cả khi đứng trước máy chém của kẻ thù vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang bị suy thoái với những biểu hiện khác nhau như: sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc, né tránh, thiếu bản lĩnh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo mức độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Lợi dụng chức vụ, vị trí để ức hiếp gây khó dễ với người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, số lượng cấn bộ công chức bị xử lý kỷ luật những năm gần đây ngày càng tăng… Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng với chế độ.
Vì vậy, trong thời gian tới để góp phần nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp thực sự là của dân, do dân, vì dân, với mục tiêu: "Tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt trên cơ sở phân công, phân cấp hợp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời kỳ mới, chuyển thành công nền hành chính sang phục vụ", trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh đối tượng là cán bộ, công chức. Khẳng định Nhà nước ta là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Như vậy, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và chế độ công vụ được tổ chức để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Bởi vì cán bộ, công chức từ trong dân mà ra, cho nên người dân biết rõ về họ. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước cần trực tiếp tổ chức lấy ý kiến, nhận xét của nhân dân kết hợp với các kênh thông tin có nội dung phản ánh của người dân để đánh giá đạo đức cán bộ, công chức. Ý kiến phản ánh của người dân và kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành căn cứ để các cơ quan kiểm tra, thanh tra công khai đánh giá, xếp hạng đạo đức của cán bộ, công chức nói chung và của cán bộ lãnh đạo, quản lý theo định kỳ hằng năm. Có như vậy, cán bộ, công chức, nói chung và nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý mới thực sự lắng nghe, thấu hiểu nhân dân và tự cảm nhận, đánh giá về bản thân để từ đó tu thân, rèn đức, chịu khó học hành, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ cho mình.
Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ. Giáo dục đạo đức công vụ là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, tỷ mỷ và phức tạp, vừa cấp bách vừa lâu dài, phải thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức trong thực tiễn hoạt động công vụ và trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là một quá trình giáo dục tổng hợp bao gồm giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa giao tiếp, ý thức lao động, kỹ năng lao động nghề nghiệp, giáo dục phẩm hạnh, long tự trọng, tình thương yêu con người… Đặc biệt chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Ở chừng mực nào đó, cần thiết phải thể chế hóa những quy phạm, nguyên tắc đạo đức thành những quy phạm pháp luật. Mặt khác, coi việc xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và răn đe cán bộ,công chức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật.
Hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng đánh giá cán bộ, công chức, đưa các yếu tố về đạo đức công vụ vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động. Phải có quy định rõ, cụ thể các hành vi cán bộ, công chức được làm hoặc không được làm, công khai các lợi ích của họ, có chế tài xử phạm nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ, tùy theo mức độ vi phạm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm phát hiện các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Mỗi cán bộ, công chức phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực để có cống hiến cao nhất cho nhân dân. Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao. Mỗi cán bộ, công chức phải tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và nêu gương sáng về đạo đức để mọi người noi theo. Để lãnh đạo cách mạng thì mỗi người cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của dân và phải có đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Muốn vậy, cán bộ, công chức không tự thỏa mãn với trình độ, kinh nghiệm của mình mà phải ham học tập, ham tìm hiểu để mở rộng tầm hiểu biết, không ngừng nâng cao năng lực công tác để phục vụ nhân dân với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức và hoạt động công vụ, đảm bảo quyền dân chủ cơ sở để dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Hoàn thiện cơ chế quản lý và làm rõ thẩm quyền quản lý từng loại cán bộ, công chức của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động công vụ của cấp dưới thuộc quyền.
Cán bộ, công chức là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Vì vậy, đạo đức công vụ luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm hàng đầu trong công việc giáo dục và đào tạo đội ngũ này, nhằm đảm bảo hoạt động hoàn thiện của nền hành chính và là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Với ý nghĩa đó, đạo đức công vụ cần được chuẩn mực trở thành bắt buộc mang tính nguyên tắc dựa trên pháp luật và phải được triển khai sâu rộng trong toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước. Phát huy đạo đức công vụ chính là đề cao trách nhiệm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của người cán bộ, công chức; từ đó củng cố lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước.
Ths Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị