Sign In

Nam Định - Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước

11:09 31/12/2023
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Nam Định trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước với mức tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) 10,19% so với năm 2022, cao nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn đầu tư những dự án lớn, công nghệ cao tại địa phương.

Lượt xem: 299

Thành phố Nam Định trên đường phát triển.

 

Lần đầu tiên GRDP đạt mức tăng trưởng hai con số

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong khi một số địa phương ghi nhận mức suy giảm kinh tế so với năm 2022 thì lần đầu tiên GRDP của Nam Định đạt mức tăng trưởng hai con số, tăng 10,19%, cao nhất từ trước tới nay và cao hơn nhiều so với trung bình cả nước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; trong đó, sản lượng thóc tăng cả về sản lượng và giá trị...

Kết quả này được đánh giá là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của các cấp ủy Đảng; tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, duy trì, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy các lợi thế tăng trưởng khác của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Nhìn lại quá trình chỉ đạo, điều hành trong năm của tỉnh cho thấy, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhất quán quan điểm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức là nhiệm vụ thiết yếu cần ưu tiên hàng đầu và không ngừng cải thiện chất lượng thực thi chính sách, khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn giúp các doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Từ những tháng đầu năm, khi nắm bắt được dấu hiệu xuất khẩu gặp khó, các cấp, các ngành chức năng đã gia tăng các chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thị trường trong nước. Vì vậy, dù các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may, da giày dép, tiếp tục chịu cảnh sụt giảm đơn hàng thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 của tỉnh vẫn đạt khoảng 68.900 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2022, bù đắp một phần khó khăn do xuất khẩu gây ra. Thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thị trường nội địa cũng khẳng định nỗ lực tự nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm cũng như năng lực thích ứng, nắm bắt thị trường để đáp ứng nhanh, đúng và trúng nhu cầu sản phẩm thực tế người tiêu dùng cần sử dụng từ phía các cơ sở, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các động lực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, cầu trong nước... đều có xu hướng giảm, tỉnh đã chủ động thúc đẩy đầu tư công như một động lực để nền kinh tế hồi phục và tạo ra tăng trưởng. Nguồn vốn đầu tư công trở thành vốn mồi, kích thích các nguồn lực đầu tư khác tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17% so với năm 2022. Từ đó, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế, như ngành xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh phục vụ xây dựng, điều này giúp khối doanh nghiệp nói chung và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất. Không chỉ tạo động lực tăng trưởng, bằng việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục ưu tiên vốn cho các dự án mang tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn cũng như các cảng hàng không, cảng biển lớn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đáng kể nhất là hệ thống hạ tầng giao thông với các dự án như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh lộ 485B, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II), tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển và hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) như Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh mở rộng.

Thu hút các dự án lớn, công nghệ cao

Đáng chú ý, năm 2023, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được gia tăng vị thế, sức hút. Một phần bởi lợi thế mới được tạo ra từ những công trình trọng điểm, có vai trò là động lực, tạo sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh. Một phần phải kể đến sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, quyết liệt hành động trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư từ phía các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Trong năm, tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ với khung định hình rõ nét về không gian và các định hướng phát triển, thu hút đầu tư trên toàn tỉnh, trong đó có các vùng kinh tế động lực. Điều này tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

Năm 2023, đánh dấu một năm mà các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh diễn ra sôi động, quyết liệt, có trọng tâm. Tỉnh đã thể hiện rõ sự chào đón, quyết tâm thu hút đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có vị thế toàn cầu. Tỉnh còn tích cực tham gia và chủ động tổ chức các hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư lớn, trọng điểm, có nhiều tiềm năng của vùng, toàn quốc; phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư ở châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Nỗ lực đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp công tác thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh đạt được kết quả thực chất, rất tích cực với sự đột phá cả về số lượng, quy mô vốn, chất lượng dự án; khẳng định môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang ngày càng gia tăng sức thu hút với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine với tổng mức đầu tư 42 triệu USD; Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore) với tổng mức đầu tư gần 84,5 triệu USD; ký kết thoả thuận với Tập đoàn Sunrise Material phát triển Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh mở rộng. Chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án sản xuất găng tay y tế của Công ty TNHH Y tế Bình An tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD. Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư tại KCN Hải Long; Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án đối với Tập đoàn AEON... Đây là những doanh nghiệp, dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh và sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh ở những năm tiếp theo.

Kết quả đạt được trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư năm 2023 mở ra kỳ vọng phát triển trong những năm tiếp theo và là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh phấn đấu, tin tưởng sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.

            Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm