Dự án nhà ở thương mại Nam Định Tower trên địa bàn thành phố Nam Định.
Mục đích của Kế hoạch phát triển nhà ở nhằm xác định được tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng; vị trí, khu vực phát triển nhà ở; quy mô dự án phát triển nhà ở (số lượng, diện tích sàn xây dựng) trong năm 2024. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phát triển nhà ở khu vực đô thị văn minh,
hiện đại; nhà ở khu vực nông thôn phát triển đồng bộ và phù hợp với mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân; nâng cao công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ với sự phát triển chung của tỉnh. Theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, tới cuối năm 2024 phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 27,74 m2/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại khu vực đô thị đạt 30,16m2/người; tại khu vực nông thôn đạt 27,12m2/người; chỉ tiêu về diện tích nhà ở tối thiểu toàn tỉnh đạt 8m2/người. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở tăng thêm trong năm 2024 là 2.628.560m2 sàn; trong đó diện tích nhà ở theo các chương trình mục tiêu (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo,...) là 137.168m2 sàn; nhà ở do người dân tự xây dựng là 2.491.392m2.
Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở là 20,444 nghìn tỷ đồng, trong đó có 543,530 tỷ đồng vốn xây dựng nhà ở theo chương trình mục tiêu và trên 19,9 nghìn tỷ đồng vốn xây dựng nhà ở trên đất hiện hữu. Dự kiến các nguồn vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh gồm: phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng...; nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng từ nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình và vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vốn doanh nghiệp; vốn vay các tổ chức tín dụng ưu đãi; vay Ngân hàng Chính sách xã hội,...
Trong năm 2024, diện tích đất ở dự kiến để đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh (gồm đất các khu dân cư; khu đô thị; tái định cư; nhà ở xã hội; nhà ở thương mại) là 380,8ha. Huyện Giao Thủy là địa phương có diện tích đất dự kiến xây dựng nhà ở lớn nhất toàn tỉnh với tổng diện tích xấp xỉ 126ha để triển khai đầu tư xây dựng 30 khu dân cư; khu đô thị; tái định cư; nhà ở xã hội... Đứng thứ hai toàn tỉnh về diện tích đất ở dự kiến thực hiện trong năm 2024 là huyện Mỹ Lộc với tổng diện tích 66,61ha để phát triển nhà ở tại các khu dân cư, khu đô thị và nhà ở xã hội…
2 nhóm giải pháp trọng tâm UBND tỉnh đề ra để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2024, gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách và nguồn vốn. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành và địa phương tích cực rà soát, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị. Thực hiện nguyên tắc chấp thuận đầu tư phát triển dự án nhà ở khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có thể đảm bảo đáp ứng. Thiết lập danh mục ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng cùng dự kiến quỹ đất gắn liền trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm công khai kêu gọi đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hướng đơn giản hóa thủ tục, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian, liên quan đến việc chấp thuận chủ trương, cho phép đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, giao đất, cấp phép xây dựng.
Về giải pháp nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiến hành công khai minh bạch thông tin về danh mục, quy mô dự án, lựa chọn chủ đầu tư để thu hút nguồn vốn. Sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách (thông qua các hình thức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án,… cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội) để hỗ trợ các đối tượng trong diện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở, các khu đô thị trên địa bàn. Sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để ưu tiên cho đối tượng cán bộ công chức, viên chức, công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở, các khu đô thị mới, đặc biệt nhà ở xã hội. Lồng ghép với các chương trình mục tiêu hỗ trợ nhà ở để xây dựng, cải tạo nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở, nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Chương trình mục tiêu. Hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế liên quan đến phát triển nhà ở xã hội như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố Nam Định triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Nam Định rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở bố trí tái định cư, khu dân cư,... Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và phát triển nhà ở. Hướng dẫn triển khai các quy định về phát triển và quản lý nhà ở; các chính sách hỗ trợ nhà ở. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị; đánh giá, tổng kết tình hình và kết quả thực hiện báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh theo quy định./.
Theo baonamdinh.vn