Sign In

Hưởng ứng Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024: Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm - Kỳ I: Triển khai đồng bộ các giải pháp

08:02 15/04/2024
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, trong năm 2023 và quý I-2024, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, thuận lợi cho người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định và thúc đẩy thị trường thực phẩm.

Lượt xem: 12
Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đăng cai tổ chức góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm 

 Kỳ I: Triển khai đồng bộ các giải pháp

 Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP. Các sở được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT và PTNT), Công Thương đã ban hành 81 văn bản chỉ đạo về lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền. Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội khác là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh ban hành 21 văn bản chỉ đạo. UBND các huyện, thành phố ban hành 169 văn bản chỉ đạo công tác ATTP trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh và các địa phương thường xuyên được kiện toàn, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác quản lý về ATTP theo phân cấp; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Các sở, ban, ngành tăng cường quản lý Nhà nước về công tác ATTP theo chức năng, nhiệm vụ. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động đảm bảo ATTP; kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm; kịp thời có biện pháp xử lý và cảnh báo cho người tiêu dùng. 

Thực hiện phương châm “Truyền thông đi trước, mở đường”, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP được quan tâm, đẩy mạnh. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng, ATTP thực phẩm, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuyên truyền sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác các hành vi vi phạm an ninh, ATTP; tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm ATTP. Ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh: Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền lưu động về đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán, lễ hội mùa Xuân, Tháng hành động vì ATTP, cao điểm hè, Tết Trung thu. Cấp phát 57 nghìn tờ rơi, treo 3 pa-nô, 140  băng rôn tuyên truyền ATTP. Thực hiện 2 buổi tọa đàm; 32 banrol; 55 khung quảng cáo; 17.560 tờ rơi; tổ chức 30 lớp tập huấn kiến thức về ATTP, xúc tiến thương mại cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 1.845 người tham dự. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng các hoạt động bảo đảm ATTP trong Tháng hành động; phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các sự cố về ATTP; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Tăng cường triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP gắn với phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội; phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành đúng cho nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về liên kết sản xuất đảm bảo ATTP theo chuỗi. 

Mô hình nuôi cua biển trong nhà bằng hệ thống nước tuần hoàn công nghệ cao của gia đình Nguyễn Đại Dương, xã Giao An (Giao Thuỷ) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình nuôi cua biển trong nhà bằng hệ thống nước tuần hoàn công nghệ cao của gia đình Nguyễn Đại Dương, xã Giao An (Giao Thuỷ) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch số 67/KH-BTV về thực hiện công tác ATTP và Tháng hành động vì ATTP; chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời đưa nội dung công tác đảm bảo ATTP thành tiêu chí thi đua năm 2023. 100% các cấp Hội Phụ nữ triển khai thực hiện công tác ATTP gắn với thực hiện Cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động qua các kênh tuyên truyền của Hội. Duy trì và nhân rộng các mô hình về ATTP, như: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xã Xuân Ninh (Xuân trường), xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); mô hình “Chế biến thực phẩm an toàn” xã Xuân Kiên (Xuân Trường); mô hình câu lạc bộ “Sản xuất và tiêu dùng sạch” của Hội LHPN phường Cửa Nam (thành phố Nam Định); dịch vụ nấu cỗ tại xã Nam Hồng (Nam Trực); “Sản xuất nuôi trồng cho sản phẩm hữu cơ”; “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy, hải sản” xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế”, tại các xã huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình “Chi hội sống xanh” thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thời gian qua, Sở đã triển khai đồng bộ các chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ mất ATTP đối với một số nhóm sản phẩm thực phẩm chủ lực có nguy cơ cao. Trong đó, thực hiện lấy 1.391 mẫu nông sản, thủy sản và muối test nhanh tại phòng kiểm nghiệm Chi cục và gửi phân tích tại các phòng kiểm nghiệm để giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông sản, thuỷ sản. 100% các mẫu đều đảm bảo an toàn; sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Cấp mới, cấp lại 468 giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP; 46 mã số vùng trồng. Tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành, 15 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 601 cơ sở sản xuất, kinh doanh (61 tổ chức, 540 cá nhân), xử lý 55 cơ sở vi phạm. Các đơn vị trong ngành tiếp tục giám sát việc duy trì chương trình quản lý chất lượng tiên tiến cho các HTX, doanh nghiệp đã được chứng nhận (127 cơ sở, doanh nghiệp đã được chứng nhận VietGAP, HACCP, ISO; 1 doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ; “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam được chứng nhận ASC). Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ 39 cơ sở xây dựng tiêu chuẩn và công bố chất lượng cho 77 sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, mã vạch, nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc. Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp và Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn với sự tham gia của 150 lượt doanh nghiệp, cơ sở với trên 850 lượt sản phẩm. Hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch đẩy mạnh hoạt động gắn kết quảng bá sản phẩm trong tỉnh, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đợt giám sát đảm bảo ATTP hoạt động ăn uống phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn, đông người trên địa bàn tỉnh, như: Hội thảo khoa học “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”; Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định; Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng; Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng; các trận bóng đá giao hữu quốc tế; Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024; Festival Phở 2024... Ngành Y tế thực hiện 1.353 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh ATTP; giám sát hàng nghìn suất ăn, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP, góp phần đảm bảo sức khỏe, thể lực cho người tham dự cũng như quảng bá, tạo ấn tượng tốt cho khách về ẩm thực quê hương Nam Định. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, các sở: Y tế, NN và PTNT, Công Thương tập trung phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu. Kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhóm sản phẩm hỗ trợ người bị huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, mỡ máu...). Các lực lượng chức năng: Công an, Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.

(Còn nữa)

Theo BaoNamDinh.VN

Tag:

File đính kèm