Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chụp ảnh lưu niệm
với các tác giả có tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh lần thứ VIII.
Thực hiện Nghị quyết 23, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa, VHNT. Trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước về VHNT; các vấn đề về cơ chế, chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển VHNT; xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống; gắn văn hóa với phát triển kinh tế du lịch; quy hoạch, rà soát, đánh giá lại các công trình, cơ sở vật chất văn hóa hiện có, xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở… Các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng luôn quan tâm kiện toàn, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa cơ sở, từng bước đáp ứng đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Hội VHNT tỉnh hiện có 253 hội viên thuộc 7 bộ môn nghệ thuật chuyên ngành; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh có 76 nghệ sĩ, diễn viên. Đến nay, toàn tỉnh có 2 nghệ sĩ nhân dân; 24 nghệ sĩ ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân, 12 nghệ nhân ưu tú, 93 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương. Đội ngũ này đã có nhiều cố gắng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, đóng góp quan trọng trong phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhiều năm qua.
Nhằm đẩy mạnh công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, Hội VHNT tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho hội viên; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo VHNT (Bộ VH, TT và DL) duy trì tổ chức các trại sáng tác VHNT hàng năm tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đại Lải (Vĩnh Phúc)…; tạo điều kiện cho hội viên tham dự các trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự trại sáng tác, các hội viên có cơ hội được giao lưu, trao đổi, trải nghiệm thực tế cuộc sống, tích lũy thêm vốn sống và kinh nghiệm chuyên môn, nâng cao năng lực sáng tác, hoàn thiện những tác phẩm mới có giá trị cả về tư tưởng lẫn nội dung và hình thức.
Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT của tỉnh có bước đổi mới, góp phần lý giải khoa học hơn quan hệ giữa VHNT với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Những năm gần đây, Bộ môn Nghiên cứu, lý luận, phê bình (Hội VHNT tỉnh) đảm nhiệm 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu gồm: “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX” (Thạc sĩ Hoàng Dương Chương); “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” (Nguyễn Thị Cảnh); “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” (Bùi Văn Tam); 2 chuyên đề: “Nghề và làng nghề Nam Định”, “Văn hóa dân gian trên đất Trực Ninh - Nam Trực” được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam in thành sách. Nhiều hội viên bộ môn tích cực tham gia các cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực về: danh nhân, văn hóa vật thể, phi vật thể.
Trên tinh thần nội dung Nghị quyết 23, lĩnh vực sáng tạo VHNT của tỉnh đã bám sát chủ đề, dòng chảy chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn. Nhiều tác phẩm VHNT ở các loại hình: thơ, văn xuôi, sân khấu (chèo, cải lương, kịch nói), điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa... được thể hiện đa dạng với các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội, phản ánh chân thực, rõ nét cuộc sống lao động, sản xuất của người dân từ thành thị đến nông thôn và những vấn đề thời sự xã hội. Các sáng tác VHNT mang đậm giá trị tư tưởng phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; lan tỏa, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, mặt trái trong đời sống xã hội. Trong 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định đã sáng tác, xuất bản, quảng bá tới công chúng 43 tập văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tập ký), 63 tập thơ, 21 công trình nghiên cứu - phê bình, 19 tác phẩm âm nhạc, hơn 1.000 tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, 12 tập kịch sân khấu, hàng chục vở diễn. Trong đó có 5 công trình, tác phẩm VHNT nhận Giải thưởng VHNT do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng; 14 giải VHNT về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng; 3 giải nghiên cứu, lý luận, phê bình; 15 giải nhiếp ảnh; 11 giải mỹ thuật; 8 giải âm nhạc, múa; 46 huy chương vàng, huy chương bạc... do các hội chuyên ngành Trung ương trao tặng. Tỉnh đã duy trì việc xét, trao tặng Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tạo động lực cho hoạt động sáng tác VHNT của tỉnh. Hàng năm, các hội viên Hội VHNT tỉnh giới thiệu nhiều tác phẩm, công trình sáng tác, nghiên cứu trên báo chí của Trung ương, của tỉnh... Nhiều tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng được đánh giá cao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ được quan tâm. Tỉnh đã nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh; chỉ đạo từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Hàng năm, trường cử nhiều sinh viên tham dự Liên hoan văn hóa nghệ thuật học sinh, sinh viên; Cuộc thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên do Bộ VH, TT và DL tổ chức đã đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định chất lượng đào tạo các bộ môn nghệ thuật của tỉnh.
Trong 15 năm qua, các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa trong tỉnh đã mở nhiều lớp năng khiếu về các loại hình VHNT; Các hạt nhân văn hóa, văn nghệ được phát hiện, bồi dưỡng phát triển năng khiếu, đặc biệt trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng, góp phần định hướng thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của khán giả. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được các cấp, các ngành quan tâm phát triển. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 900 đội văn nghệ quần chúng ở các loại hình nghệ thuật, hàng năm tổ chức trên 700 buổi biểu diễn, sinh hoạt tại cộng đồng. Các câu lạc bộ (CLB) VHNT tại các địa phương ngày càng phát triển, tiêu biểu như các CLB thơ - văn Quần Phương, Sông Ninh, Non Côi Sông Vị; các CLB, đội chèo, múa lân sư rồng ở Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường, thành phố Nam Định; các hội trống cà rùng, đội kèn đồng ở Hải Hậu; các CLB cà kheo, múa tứ linh ở Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; các CLB hát văn, hát chầu văn ở Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực; các CLB múa rối nước ở Nam Trực, Nghĩa Hưng… Tỉnh đang từng bước triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như: hát văn, hát chầu văn, chèo, múa rối nước, hầu đồng...
Tuy nhiên, sự bùng nổ về công nghệ thông tin cùng với sự giao thoa, du nhập các yếu tố văn hóa ngoại lai, bên cạnh những tác động tích cực cũng mang đến không ít tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa, VHNT. Các hoạt động chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận người dân, nhất là văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ. Từ thực tiễn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 đã cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn, chỉ đạo sâu sát, thiết thực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực văn hóa nói chung, VHNT nói riêng, tạo động lực để đông đảo văn nghệ sĩ hăng say sáng tác, phát triển nền VHNT của tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Theo baonamdinh.vn