Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Hiệp hội Len Australia vừa có buổi làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nam Định. Tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Len Australia cho biết, hiệp hội hiện đang quy 60 nghìn hội viên là các doanh nghiệp sản xuất len lông cừu tại Australia và Trung Quốc. Trong đó nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu dịch chuyển đầu tư về Việt Nam, Nam Định để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, cung ứng luôn sản phẩm cho các doanh nghiệp dệt may địa phương.
Ngành dệt may của Việt Nam, trong đó có Nam Định, có tiềm năng rất lớn để sử dụng các sản phẩm len lông cừu do doanh nghiệp Australia cung ứng và cũng là địa bàn có nhiều thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp Australia đầu tư nhà máy sản xuất len lông cừu. Quy mô một nhà máy sản xuất lông cừu nhỏ nhất có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, sẽ sản xuất ra khoảng 20 tấn lông cừu thô/năm - đại diện Hiệp hội Len Australia cho biết thêm.
Đại diện Hiệp hội Len Australia còn chia sẻ, đến với Nam Định, Hiệp hội muốn tìm hiểu, nắm bắt để thông tin về: cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành sản xuất len lông cừu, khả năng cung ứng các dịch vụ liên quan của tỉnh với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định, khi đầu tư nhà máy tại Nam Định các doanh nghiệp sẽ bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường tương tự như đang đầu tư tại Australia.
|
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng. |
Về phía UBND tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng cho biết, Nam Định hiện đã và đang là địa điểm đầu tư của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, vị thế toàn cầu thuộc đa dạng các quốc gia như là Tập đoàn Quanta Computer INC (Đài Loan); Công ty Sunrise Material (Singapore)... Tỉnh cũng chủ động, sẵn sàng các điều kiện để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước có nền kinh tế phát triển như Australia.
Nam Định đã sẵn sàng các quy hoạch, trong đó giai đoạn đến năm 2030 đã quy hoạch riêng một khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông quy mô trên 500ha để cho các dự án liên quan đến ngành dệt may, bao gồm cả các dự án sản xuất len lông cừu như của doanh nghiệp Australia. Khu công nghiệp này sẽ đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ sản xuất, bao gồm: cấp nước, điện, công trình xử lý nước thải, hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy kết nối thuận tiện tới khu công nghiệp và liên thông đến các khu kinh tế trọng điểm trong nước – ông Dũng nhấn mạnh.
Nếu đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông có thể coi như doanh nghiệp đã lựa chọn khu vực được hưởng tối đa cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng. Ngoài ra còn được hưởng thêm các cơ chế ưu đãi chuyên biệt trong trường hợp doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao - ông Dũng chia sẻ.
Nhà máy dệt Nam Định ngày trước từng là một biểu tượng của ngành Dệt may cả nước. Đến mức, hình ảnh những cô công nhân bên dây chuyền dệt đã được chọn để in trên tờ tiền 2.000 đồng.
Để duy trì, phát triển ngành dệt may, tỉnh Nam Định đã thành lập Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông. Hiện khu công nghiệp này đang được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, vị trí chiến lược khi nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ. Từ khu công nghiệp chỉ mất từ 30 - 45 phút di chuyển đến trung tâm TP. Ninh Bình, trung tâm TP. Nam Định, từ 60 - 90 phút để đến trung tâm TP. Thái Bình, sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Không những thế, khu công nghiệp còn sở hữu cơ sở hạ tầng toàn diện gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, nhà máy cung cấp nước sạch có tổng công suất thiết kế 170.000m3 / ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải có tổng công suất thiết kế 110.000m3 / ngày đêm. Dịch vụ logistics tối ưu hóa chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả nhờ hệ thống cảng biển kết nối đến khu công nghiệp.
Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông được phát triển trên tổng diện tích gần 2.200ha, gồm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư sản xuất 1 tỉ mét vải trên diện tích 519,6ha. Giai đoạn 2, nâng sản lượng vải lên 1,5 tỉ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850ha. Giai đoạn 3, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại trên diện tích 675ha.
Trước đó, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc đã có buổi kiểm tra thực tế sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn. Theo báo cáo của các doanh nghiệp dệt may, giai đoạn nửa cuối quý IV-2022 đến nay, nhóm các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, bị giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu về mặt hàng sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh. Sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng, các đơn hàng có được chủ yếu là nhỏ lẻ, đơn giá thấp so với năm 2022. Dự kiến đến hết quý II-2023 các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa các biện pháp linh hoạt, thiết thực với bối cảnh thị trường bất định. Quan trọng nhất là phải duy trì bộ máy sản xuất, đảm bảo được việc làm, đời sống cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động. Chú trọng tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng quan tâm sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, sản xuất theo chuỗi. Quan tâm bám sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để kịp thời có phương án sản xuất phù hợp.
Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành nắm bắt thông tin thực tế của các doanh nghiệp dệt may. Gia tăng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào. Thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo baonamdinh.vn