Sign In

Nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông chiến lược

21:22 18/09/2023
Để nâng cao năng lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tham mưu các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, huyết mạch, tăng năng lực giao thông, giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhà đầu tư.

Lượt xem: 51

Cầu vượt cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng vừa được hoàn thành và đưa vào khai thác. 

 

Mạng lưới đường bộ của tỉnh đã được hình thành theo dạng đường xuyên tâm có đường vành đai. Các trục Quốc lộ (QL) 10, 21, 21B và 38B đều đi qua trung tâm thành phố Nam Định; các đường tỉnh hầu hết cũng đều có hướng từ trung tâm thành phố toả ra các huyện, thị; các trục liên vùng, nội tỉnh, đường giao thông nông thôn kết nối với các huyện, xã, thôn và có tỷ lệ rải mặt nhựa cao. Hệ thống giao thông vừa đa dạng, vừa có tính liên hoàn kết nối nhiều hình thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt nên thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Hệ thống đường bộ huyết mạch đã được cải tạo, nâng cấp. Hầu hết các tuyến QL, tỉnh lộ có kết cấu mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1; các điểm vượt sông trên tuyến có cầu cứng lớn thuận lợi cho phương tiện tải trọng lớn hoạt động. Sở đã tham mưu cho tỉnh đề xuất Bộ GTVT nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh có khả năng kết nối liên tỉnh trong khu vực thành các tuyến QL như: 37B, 38B và đường Nam Định - Phủ Lý mới (QL 21B); 100% các xã, thị trấn có đường ô tô (láng nhựa hoặc đổ bê tông) đến trụ sở UBND xã. Toàn tỉnh hiện có trên 12,3 nghìn km đường bộ (trong đó có 16,2km đường cao tốc, 210km đường QL; 225,3km đường tỉnh; 177km đường đô thị; 1.500km đường xã, liên xã... và 2.050 cầu trên các tuyến). Ngoài ra, tỉnh còn có 41km đường sắt Bắc - Nam với 6 ga hành khách; 72km bờ biển, 257km của 5 tuyến sông Trung ương, 279km tuyến sông địa phương... 

Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị: Trong thời gian qua, Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Tỉnh đã hoàn thành một số tuyến đường bộ huyết mạch quan trọng như: QL 21B (tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý), QL 21B kéo dài (tỉnh lộ 488), giai đoạn I tỉnh lộ 490B (tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình), tuyến đường bộ mới nối QL 10 với QL 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào, cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, các tuyến đường tỉnh 487, 489C; phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và đưa vào khai thác cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng trong tháng 7-2023… Cùng với các công trình giao thông đã hoàn thành, tỉnh đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; các tỉnh lộ 488B, 485B. Tỉnh còn khởi công và triển khai thi công giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL 21B); cầu qua sông Đào... Với những nỗ lực đầu tư trong những năm qua đã cải tạo, nâng cấp được hầu hết các tuyến đường QL, tỉnh lộ có kết cấu mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1; đã xây dựng mới nhiều cầu vượt sông lớn như cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long để khắc phục các điểm nút thắt “cổ chai” trên tuyến, không đồng mức các loại đường; đảm bảo điều kiện hoạt động cho xe tải trọng lớn đến xe siêu trường siêu trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Nam Định có mật độ đường ô tô khá cao 1,8km/km2; 1,62km/1.000 dân nhưng so với các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình thì mật độ đường của Nam Định đạt mức độ trung bình. Chiều rộng mặt đường chủ yếu 1-2 làn xe. Hệ thống đường đô thị và nông thôn đều có quy mô nhỏ, phần lớn chưa vào cấp kỹ thuật. Hệ thống cầu, cống còn thiếu (ngoài các tuyến QL; cầu ở các tuyến tỉnh lộ qua các sông lớn đều có ít hoặc chưa có cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu), các cầu, cống hiện tại chưa đảm bảo tải trọng để phù hợp với tốc độ phát triển của phương tiện đường bộ. Đó là những “điểm nghẽn” quan trọng về hạ tầng giao thông chiến lược ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông chiến lược, Sở GTVT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông như: Xây dựng cầu Vọp 1, 2 huyện Giao Thủy để phát triển du lịch đường thủy; cầu sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; đầu tư xây dựng tuyến tránh nhằm giảm tải cho QL 10 hiện đã quá tải và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực; quy hoạch cảng biển, cảng cạn và gắn kết các hình thức vận tải: đường sắt, đường bộ, đường thuỷ để phát triển logistics; khai thác các luồng tuyến đường thuỷ nội địa để phát triển du lịch đường thuỷ trên các tuyến sông… Phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị có liên quan triển khai các thủ tục đầu tư thực hiện dự án tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy du lịch phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão. Tập trung hoàn thiện thủ tục, khởi công các dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; phối hợp với Bộ GTVT khởi công xây dựng cầu Bến Mới và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường. 

Cùng với đó, Sở GTVT cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 mạng lưới đường bộ của tỉnh bao gồm 3 tuyến vành đai thành phố Nam Định; 4 tuyến QL; 2 tuyến đường cao tốc và 1 tuyến đường bộ ven biển, 12 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong tương lai, các tuyến giao thông của tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật: các tuyến cao tốc hạng A, mặt đường rộng 4-6 làn xe; các tuyến đường đô thị xây dựng theo quy hoạch đảm bảo đạt quỹ đất 20-25%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%; các tuyến đường vành đai thành phố Nam Định đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng trở lên, trải nhựa 100%; các trục giao thông hướng tâm chính và các trục quan trọng, gồm các QL21, 10, 38B và các đường tỉnh 490C, 488 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, trải nhựa 100%; các đường tỉnh còn lại tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, trải nhựa 100%; hệ thống cầu, cống trên các QL và đường tỉnh được xây dựng vĩnh cửu 100%. Về giao thông nông thôn, 100% các tuyến đường huyện, tối thiểu 85% đường xã và 80-95% đường thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; các tuyến đường huyện, đường xã đạt được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực, dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và một ga mới tại Trình Xuyên (Vụ Bản). Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ và đô thị Lạch Giang… Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định, tập trung cải tạo một số tuyến quan trọng, tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách, xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng…

Quyết tâm dồn lực từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông chiến lược đang là giải pháp đúng để tiến tới hoàn thành mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”./.

Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm