Điều kiện về địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; tư tưởng của một bộ phận cán bộ và Nhân dân còn bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, tư duy kinh tế chậm đổi mới; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đang ở mức thấp; an ninh biên giới tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu; những vấn đề được Nhân dân quan tâm vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chậm, không dứt điểm, hiệu quả thấp… ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Kết cấu hạ tầng chưa tạo sự chuyển biến căn bản, vẫn còn rất nhiều khó khăn, yếu kém như: Giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin, trạm xá, trường học và các công trình phúc lợi công cộng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để tuyên truyền, lôi kéo, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự, tác động đến việc tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, công tác dân vận trong đồng bào DTTS.
Kết quả đạt được
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 222-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW; đồng thời chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận; có 100% tổ chức cơ sở đảng, 95% cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Ban hành Quy chế số 07-QC/TU về công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An và đã được triển khai đến tận cơ sở; Kết luận số 105-KL/TU, ngày 18/8/2021 về tiếp tục thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo"; Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 01/8/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 18/8/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đặc thù của lực lượng vũ trang tỉnh giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, tỉnh về công tác dân tộc. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 497/KH-UBND, ngày 08/7/2022 thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản liên quan về công tác dân tộc của Trung ương, Tỉnh ủy. Các cấp, các ngành cụ thể hóa bằng hình thức ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc, công tác dân vận; công tác phối hợp thực hiện đạt được kết quả tích cực, tạo sự gắn kết trong hệ thống chính trị. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS & MN tiếp tục phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo hàng năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, tiếp cận các dịch vụ dễ hơn...
Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết việc tổ chức thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, gắn với việc kiểm tra các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, công tác dân tộc; sau sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện có thông báo kết luận và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Chuyển dịch lao động việc làm, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện. Các chủ trương, chính sách về giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt luôn được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hỗ trợ xóa nhà ở dột nát, tạm bợ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động xây dựng, sửa chữa được 8.626 nhà, đạt 55% kế hoạch giai đoạn 2023-2025, với tổng nguồn lực đã huy động được trên 700 tỷ đồng (11 huyện vùng DTTS&MN đã xây mới, sửa chữa được 7.212 nhà, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống).
Việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng DTTS&MN được quan tâm nhiều hơn. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng DTTS& MN theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 8.859 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 3.003,337 tỷ đồng), số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện. Tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn, trọng điểm, đến nay chỉ còn 01 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã cả 4 mùa (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương). Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, việc cấp điện lưới quốc gia đến các thôn, bản được triển khai tích cực. Công tác quản lý, thu hút đầu tư phát triển chợ được tăng cường đầu tư. Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư ở các khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thông tin di động, mở rộng phủ sóng truyền hình đến 100% địa bàn thôn, bản trong toàn tỉnh.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, hỗ trợ lao động học nghề... Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên là người DTTS tại các cơ sở giáo dục các huyện miền núi vùng cao có 4.616 người/17.740 người, chiếm 26%. Chính sách cử tuyển, đào tạo dự bị đại học, đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo dành cho học sinh con em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Từ năm 2019 đến 2024, tuyển sinh đào tạo cho lao động 11 huyện, thị xã miền núi là 74.445 lượt người (chiếm 49,96% tổng số tuyển sinh đào tạo); toàn tỉnh giải quyết việc làm được 247.698 người; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 97.246 người (giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS&MN 89.913 người, chiếm 36,29%, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 33.993 người, chiếm 34,96%). Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh được hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phát triển đồng đều cả hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên. Các chỉ tiêu về y tế đều tăng (số bác sĩ/10.000 dân tăng từ 8,2 lên 12,8 bác sĩ; số bác sĩ là người DTTS tăng từ 397 lên 556 người (so với năm 2019); có 100% đồng bào DTTS ở vùng DTTS&MN được hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm chỉ đạo. Nhiều di tích văn hóa lịch sử, di tích văn hóa vùng DTTS&MN được đầu tư, tôn tạo. Các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc được duy trì, phát huy. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ,...
Các lực lượng vũ trang trên địa bàn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho đồng bào DTTS nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực miền núi, biên giới. Tăng cường giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới; thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của mỗi bên; tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu qua biên giới; nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về chủ quyền lãnh thổ, ý thức bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Củng cố các cửa khẩu quốc gia, quốc tế bảo đảm việc đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật nước ta và nước bạn.
Hệ thống chính trị vùng DTTS được quan tâm xây dựng, củng cố. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đa số tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS ngày càng được nâng lên. Số đảng viên là người DTTS được kết nạp tăng dần theo các năm, 05 năm qua đã kết nạp được 3.285 đảng viên người DTTS, chiếm 17,1% trong tổng số đảng viên toàn tỉnh được kết nạp (25.359 đồng chí). Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ, sỹ quan Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt đảng tại các chi bộ xóm, bản yếu kém, vùng xung yếu; thành lập chi bộ Công an xã. Thông qua chủ trương này, đang tạo được chuyển biến tích cực cả tổ chức, nội dung, chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở. Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2019- 2024, toàn tỉnh đã bình chọn được 6.858 lượt người có uy tín; riêng năm 2024 bình chọn 926 người uy tín. Các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ. Công tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm; toàn tỉnh có 9.159 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS/83.894 CBCCVC (chiếm 13,3%). Nhìn chung chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS từng bước được củng cố, nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực thực tiễn cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thực hiện đảm bảo tiến độ. Tổng nguồn lực đã giao từ năm 2022 đến năm 2024 là 3.872,489 tỷ đồng; giải ngân tính đến 31/7/2024 là 1.536,447 tỷ đồng; đạt 39,68% tổng kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2023 được quan tâm chỉ đạo. Ngân sách được giao là 916,638 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho 11 huyện, thị xã miền núi vùng đồng bào DTTS & MN: 695,997 tỷ đồng (chiếm 75,93% nguồn vốn cả tỉnh). Đến ngày 20/7/2024, nguồn kinh phí thực hiện chương trình năm 2024 hầu hết các đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện. Vùng DTTS&MN có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa hoàn thành năm 2015); bình quân tiêu chí của vùng là 14,34 tiêu chí/xã; có 212 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 115 thôn, bản).
Quan tâm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. UBND tỉnh chịu trách nhiệm QLNN về dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý thống nhất về công tác dân tộc. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về công tác dân tộc. Có 09 phòng Dân tộc cấp huyện và 03 bộ phận chuyên trách thuộc Văn phòng HĐND và UBND các huyện. Ở cấp xã, bố trí 01 lãnh đạo UBND phụ trách công tác dân tộc và tôn giáo
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang ở vùng đồng bào DTTS đã phối hợp thực hiện hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn với nhiều nội dung phong phú, đa dạng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức ở cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên. Phối hợp tham mưu, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về quốc phòng, an ninh. Các lực lượng vũ trang đã tăng cường công tác dân vận, tham gia tích cực vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ.
Đồng bào các DTTS ở Nghệ An mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm có những chủ trương, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hạn chế để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống... giữa các vùng miền; có giải pháp cụ thể, chính sách ưu tiên trong khâu tuyển dụng con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp các trường đại học vào các cơ quan đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên, thanh niên DTTS để họ ở lại quê hương làm ăn sinh sống (không phải đi làm ăn xa) có điều kiện chăm sóc con cái đang tuổi học tập. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực ở cơ sở còn thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, còn tồn tại hủ tục lạc hậu, như: Ma chay, cưới xin, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra...
Một số bài học kinh nghiệm
1. Cấp ủy, chính quyền các cấp thống nhất nhận thức, xác định thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nói đi đôi với làm, kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để Nhân dân hiểu và thực hiện; không sách nhiễu gây phiền hà cho dân, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
2. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trên mọi mặt của đời sống. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng cốt cán và người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng DTTS; phát huy vai trò chủ thể của người dân; làm cho dân hiểu, dân biết, dân tin, dân hưởng ứng, dân tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đối với vùng DTTS&MN.
3. Phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN cần phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, kết hợp giữa xu hướng hiện đại với truyền thống bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nhằm bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình vùng đồng bào DTTS, nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào; kịp thời giải quyết các vụ việc "nóng", nhạy cảm phát sinh ngay tại cơ sở.
4. Chính quyền các cấp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp chính quyền thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện tốt công tác dân vận. Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó xem xét giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở.
5. Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hóa hình thức tập hợp hội viên, đoàn viên. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường cán bộ chủ chốt cho những nơi trọng yếu, nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp.
Như vậy, sau 05 năm triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW có thể khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào DTTS&MN. Tình hình kinh tế, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng được cải thiện, kinh tế tiếp tục phát triển, tỷ lệ đói nghèo giảm còn 12,48%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm (tính đến cuối năm 2023). Đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước được nâng cao. Công tác thông tin tuyên truyền, phát thanh, truyền hình, báo chí ngày càng hoàn thiện và phát triển. Bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư và phân bổ đến các vùng dân cư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân... Nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của Nhà nước. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy