Tham dự hội nghị có lãnh đạo, cán bộ các phòng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị, Trung tâm chính trị cấp huyện.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe TS. Lê Thị Chiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt chuyên đề "Bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch". Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Theo đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tại hội nghị, TS Lê Thị Chiên cũng đã trao đổi một số vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo, tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024. Trong đó, đồng chí hướng dẫn cụ thể những nội dung quan trọng để xây dựng các tác phẩm dự thi có chất lượng và quy chế cuộc thi, công tác thẩm định, chấm các bài dự thi ở các cấp.
Hội nghị được nghe PGS.TS Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt chuyên đề "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam". Trong đó nêu rõ tình hình thế giới hiện nay và bối cảnh của Việt Nam trong bối cảnh mới; khi thế giới đang đứng trước nhiều nghịch lý, mâu thuẫn phát triển sâu sắc càng thể hiện rõ cục diện thế giới có xu hướng đa cực và phân tuyến. Trong bối cảnh đối ngoại mới, chủ nghĩa đa phương đối mặt với thách thức chưa từng có. Thế và lực của Việt Nam đã khác trước, với sự ổn định về chính trị, thế và lực của nước ta ngày càng tăng trên trường quốc tế. Việt Nam là thành viên đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và nhiều tổ chức khu vực khác. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, được các nước coi là đối tác cần tăng cường, là nhân tố góp phần kết nối các nước với ASEAN. Việt Nam phát triển nhanh công nghệ thông tin – tạo thuận lợi để tiếp cận công nghệ, tranh thủ thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, tạo sức đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Đồng chí còn cung cấp đến các đại biểu những thông tin về kết quả nổi bật của công tác đối ngoại song phương, đa phương của Việt Nam trong thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp triển khai đối ngoại thời gian tới và chỉ ra 4 bài học đối ngoại quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Từ triển khai Hội nghị chuyên đề này, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức mới, làm rõ thêm cách thức xây dựng các bài viết tuyên truyền, bài dự thi để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đồng thời bồi dưỡng, cập nhật về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới. Đây cũng là nội dung thiết thực, bổ ích để cán bộ làm công tác tuyên giáo, giảng dạy lý luận chính trị được cập nhật kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào thực tiễn công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, triển khai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Quang Minh