Quang cảnh buổi làm việc.
|
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác. Tham gia Đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; lãnh đạo một số cơ quan thuộc các bộ, ngành Trung ương.
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã xây dựng kế hoạch làm việc, khảo sát thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
|
Buổi làm việc tập trung vào hai nội dung chính, đó là: Khảo sát việc thực thi pháp luật, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản ở Ninh Bình; đóng góp ý kiến của tỉnh vào các điều khoản của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Ninh Bình được đánh giá là địa phương có tiềm năng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đá vôi xi măng, đá vôi làm xây dựng thông thường, đá vôi đôlômít, đôlômít, sét xi măng, sét gạch ngói, đất, đá làm vật liệu san lấp.
Thực hiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản, tỉnh Ninh Bình đã lập và phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với 116 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 979,02ha, chiếm 0,69% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; đã khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 117 khu vực mỏ, với tổng diện tích 1.072,05ha; khoanh định 626 khu vực cấm, điểm cấm, tuyến cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích hơn 492km2.
Đến hết năm 2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã Quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 79 mỏ với tổng số tiền cấp quyền là 566 tỷ. Từ năm 2014 đến hết năm 2023, tổng số tiền thuế tài nguyên đã nộp là trên 2.624 tỷ đồng; tổng số phí bảo vệ môi trường đã nộp 360 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, tăng cường. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản và thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định.
Các ngành, các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật; giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở nếu để tình trạng khai thác trái phép xảy ra trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, đoàn cũng trao đổi, làm rõ một số kiến nghị của Ninh Bình như: Cần có quy định cụ thể về quy mô trữ lượng đối với trường hợp khoáng sản đi kèm có giá trị phát hiện trong quá trình thăm dò hoặc khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để cấp tỉnh chủ động trong việc cấp phép khai thác đảm bảo theo đúng thẩm quyền quy định; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ thu hồi giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản; quy định về trường hợp thu hồi một phần hoặc toàn bộ mỏ để phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội…
Đồng thời Đoàn đã tiếp thu, trao đổi thêm các nội dung mà một số sở, ban, ngành của tỉnh đề cập như công tác quy hoạch, việc cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ, việc khắc phục môi trường sau khi đóng cửa mỏ; quản lý đất nông nghiệp trong khu vực khai thác khoáng sản.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã thông tin, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời khẳng định: Giá trị khoáng sản mà chủ yếu là đá vôi của Ninh Bình không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang lại giá trị cảnh quan môi trường, sinh thái, văn hóa, lịch sử to lớn. Quan điểm của tỉnh là trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản phải hết sức chặt chẽ, đồng bộ trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, từ năm 2010 trở lại đây Ninh Bình đã hạn chế khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng; từ năm 2011 đến nay, tỉnh không cấp phép các dự án sản xuất xi măng và hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản là đá vôi.
Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng khai thác, chế biến khoáng sản sang kinh doanh dịch vụ thương mại. Mục tiêu của tỉnh là phát triển xanh, bền vững, lấy nền tảng văn hóa và phát huy giá trị di sản thiên nhiên làm nền tảng, động lực cho sự phát triển, lấy du lịch là ngành mũi nhọn, điều hướng, dẫn dắt các nền kinh tế khác phát triển, tiến tới xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ hội để tỉnh nhìn nhận lại toàn bộ quá trình quản lý khai thác khoáng sản, để vừa phát huy nguồn lực địa phương nhưng cũng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành tiếp cận các chủ trương, quan điểm mới trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Ninh Bình đã tích cực chuẩn bị các nội dung báo cáo, đặc biệt là đề cập thẳng thắn các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý khoáng sản tại địa phương.
Tỉnh luôn quan tâm phát triển hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ kiên định mục tiêu này, Ninh Bình đã tạo được đột phá trong giá trị sản xuất, chất lượng tăng trưởng, thu ngân sách. Hình ảnh và thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng đậm nét trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tại các mỏ đá vôi làm xi măng, mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường, mỏ san lấp.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về lắp trạm cân, giám sát sản lượng khai thác, rà soát thẩm định thiết kế mỏ khai thác vật liệu xây dựng, rà soát khắc phục tình trạng chồng lấn quy hoạch, giải quyết các khó khăn trong việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoáng sản trên địa bàn để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khẳng định, từ thực tiễn phát triển của địa phương cũng như những ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ là những căn cứ quan trọng để Đoàn nghiên cứu, chắt lọc phục vụ công tác thẩm tra, góp ý trình Quốc hội. Từ đó có sự điều chỉnh phù hợp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương.
nguồn: Minh Hải - Anh Tuấn/baoninhbinh.org.vn
https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-lam/d20240305142455605.htm