Thế nhưng, qua thực tế cho thấy, không phải là không có trường hợp ít chịu, thậm chí không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác, mang nặng tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, trì trệ, xem nhẹ, bỏ qua những góp ý chân thành, đề cao vai trò cá nhân, khư khư cho mình là đúng. Hệ quả của tư tưởng này là dễ dẫn đến những ngộ nhận, sai lầm, hạn chế, thụt lùi, cản trở, kìm hãm sự phát triển. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lỗi lầm và bồi bổ những thiếu sót”. Từ chỉ dạy của Người, suy rộng ra cũng có thể coi không chịu cầu thị, tiếp thu là một “căn bệnh”, cần phải được chữa trị, loại trừ.
Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trên tinh thần thực sự cầu thị, coi đây là “vũ khí sắc bén” trong sinh hoạt Đảng; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tránh tuyệt đối khuynh hướng bảo thủ, trì trệ, “mũ ni che tai”, mạnh dạn nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót (nếu có) để khắc phục, sửa chữa, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân để điều chỉnh, bổ sung, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn kết hợp với tiếp thu những tri thức mới, cách làm hay, sáng tạo để bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm, năng lực chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách trong từng lĩnh vực.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân phải thường xuyên rèn luyện, nêu cao tinh thần cầu thị, “tự soi, tự sửa”, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm, sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”. Luôn có thái độ khiêm tốn, không kiêu ngạo, tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, đoàn thể để phát huy mặt mạnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém. Đi cùng với đó, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực học tập, tự làm giàu thêm tri thức theo phương châm “Học, học nữa, học mãi” mà Lênin đã đề cao nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tiến Dũng