Sign In

PHÚ YÊN QUA 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969-2024)

18:10 02/09/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại tiêu biểu cho sự phục hưng của đất nước và sự hồi sinh của văn hoá dân tộc thời hiện đại - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hoá lớn của thế giới, từ biệt chúng ta trở về với “thế giới người hiền” đến nay đã tròn 55 năm (1969 - 2024). Trước khi đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc lịch sử, tiếp tục soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại từ mùa Thu 55 năm về trước, chúng ta càng thấy rõ hơn những tình cảm và niềm tin của Bác đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta, đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Người đã gửi gắm trong Di chúc của mình tất cả những trăn trở từ đáy lòng của một con người suốt đời hy sinh cho đất nước, cho Nhân dân; của một lãnh tụ đối với vận mệnh của Đảng và dân tộc; và tấm lòng của một chiến sĩ cộng sản đối với bạn bè quốc tế.

Mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân ta: Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”… “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Về công tác xây dựng Đảng, Bác căn dặn chúng ta: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Để làm được điều đó, Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau…”. Di chúc cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu Đảng phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên. Đối với các tầng lớp Nhân dân, Người kêu gọi: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người căn dặn sau khi kháng chiến thắng lợi, Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Nói về phong trào cộng sản thế giới, Người chia sẻ mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản. Điều mong muốn tha thiết cuối cùng của Bác gửi gắm trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Điểm lại những lời di huấn thiêng liêng của Bác, chúng ta có thể khẳng định rằng, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 5 lời thề thiêng liêng mà đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc trước anh linh của Người, 55 năm qua toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua gian khổ, hy sinh, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và cuối cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đánh bại Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Gần 50 năm sau ngày giải phóng, tiếp tục thực hiện những di huấn thiêng liêng của Bác, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại và những sai lầm trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 80 của thế kỷ XX, thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kể cả đối nội cũng như đối ngoại, đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của đất nước, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao, đúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đối với Phú Yên, sau khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đã có những việc làm cụ thể, thiết thực để tỏ lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn đối với Người. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã triệu tập cuộc họp bất thường, bàn kế hoạch chung cho toàn tỉnh tổ chức Lễ truy điệu Bác và quyết định dựng Nhà thờ Bác tại địa điểm tổ chức Lễ tang dưới bóng mát một chòm cây dẻ, nằm bên đường số 6, thuộc thôn Phước Hoà, xã Sơn Định, nay là thôn Hoà Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hoà. Để kịp thời phục vụ Lễ truy điệu, Nhà thờ Bác được khẩn trương xây dựng tạm thời bằng cây và tranh rừng, nhưng đó là tình cảm sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đối với Bác. Ngày 9/9/1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Nhà thờ Bác, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, bộ đội và Nhân dân vùng căn cứ. Trong không khí thiêng liêng và tràn đầy xúc động, đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban tang lễ đã thay mặt Tỉnh uỷ xúc động đọc qua loa phóng thanh Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời ra lời kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, tiếp tục tiến công địch, đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước.

Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp phía Nam TP Tuy Hòa. (Ảnh: sưu tầm)

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biến đau thương thành hành động cách mạng, quân và dân tỉnh ta đã anh dũng chiến đấu, từng bước đánh bại kẻ thù trên phần đất Phú Yên, giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 1/4/1975, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau ngày giải phóng, tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng lại quê hương và đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần xứng đáng vào những thành tựu chung của toàn Đảng và Nhân dân cả nước.

Bảy tháng sau ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975 - 3/11/1975) và hơn 14 năm hợp nhất với tỉnh Khánh Hoà thành tỉnh Phú Khánh (11/1975 - 7/1989), Đảng bộ, quân và dân Phú Yên ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định hệ thống chính trị, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng dần đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Có thể nói, những thành tựu đạt được trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong những năm đầu tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng là đáng phấn khởi, nhưng nhìn chung đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình vẫn hết sức khó khăn, Phú Khánh nói riêng và đất nước nói chung vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đối với Phú Yên, đến ngày tái lập tỉnh (1/7/1989) từ thành phố Tuy Hoà (bấy giờ còn là thị xã) đến các thị trấn, thị tứ đều xuống cấp nghiêm trọng; các thiết chế kinh tế, kỹ thuật hết sức manh mún, nhỏ bé, lạc hậu. Đảng bộ, quân và dân Phú Yên hầu như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Quá trình xây dựng và phát triển tuy được các bộ, ngành ở Trung ương chi viện, hỗ trợ, song luôn thiếu vốn, vật tư, thiếu cả đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật để có thể khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nên gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.

Đứng trước tình hình đó, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) và tiếp tục được Đảng bổ sung và phát triển trong các Đại hội VII (6/1991), Đại hội VIII (6/1996), Đại hội IX (4/2001), Đại hội X (4/2006), Đại hội XI (1/2011), Đại hội XII (1/2016) và Đại hội XIII (1/2021), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh ra sức phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Phú Yên tiến hành xoá bỏ tư duy cũ, cơ chế cũ, chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Đây là sự chuyển biến có ý nghĩa chính trị - xã hội cực kỳ quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển sau này. Đến năm 1996 - mười năm sau ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng - “thành tựu đạt được trên các mặt kinh tế - xã hội là cơ bản quan trọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bước đầu phát huy hiệu quả; đời sống Nhân dân được ổn định, có mặt được cải thiện; quốc phòng - an ninh được củng cố, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ và sự nhất trí trong Nhân dân”.

Sự chuyển biến quan trọng đó tạo điều kiện thuận lợi cho các bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, có hiệu quả hơn của các giai đoạn sau. Nền kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua luôn có sự phát triển, tốc độ tăng trưởng qua từng năm luôn duy trì ở mức khá. Đặc biệt, tốc độ tăng GRDP của Phú Yên năm 2023 lọt vào top 10 của cả nước. Tính đến nay, nhiều cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 25, trục giao thông miền Tây, đường ĐT 645 nối liền với tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai, cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hoà, Thuỷ điện Sông Hinh, thuỷ điện Sông Ba Hạ, các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp (Hoà Hiệp, An Phú, Đông - Bắc Sông Cầu)...

Song song với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh cũng luôn quan tâm, chăm lo phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao và cơ sở phúc lợi công cộng… Theo đó, tỉnh ta đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; ngăn chặn, đẩy lùi bệnh sốt rét, bệnh phong, lao và các bệnh truyền nhiễm khác; làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; nội bộ Đảng đoàn kết, giữ vững vai trò nòng cốt lãnh đạo, được quần chúng Nhân dân tin tưởng; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Có thể khẳng định, những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà Phú Yên đạt được trong những năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để Phú Yên tiếp tục phát triển, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Để tiếp tục thực hiện những lời di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc, trong thời gian tới toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, phát huy những thành quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tưởng nhớ Bác, trung thành và kiên định với con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn, làm theo những lời chỉ dạy của Bác và xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Phú Yên sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng Đảng, gắn với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trau dồi đạo đức cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh, góp phần cùng toàn Đảng và Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

(NKH)

Tag:

File đính kèm