Sign In

Huyện Bố Trạch với quyết tâm “phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025”

21:06 17/08/2023
Bố Trạch là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều tiềm năng, lợi thế về dịch vụ và du lịch. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã xác định “phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025”, xem đây là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững.



Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá trong  thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Bố Trạch đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 30/3/2021 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện với những  nhiệm vụ, giải pháp phù hợp điều kiện thực tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch. Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong nửa đầu nhiệm kỳ đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo bản đồ du lịch của huyện nhà.

Thực hiện cơ chế quản lý Nhà nước về du lịch, huyện đã tập trung quản lý việc phát triển các mô hình homestay, farmstay. Tính đến nay có 171 cơ sở lưu trú được quản lý. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong phát triển du lịch, nhất là trong việc giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra các sơ sở hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch được triển khai kịp thời, có hiệu quả góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển du lịch ổn định, bền vững. Đồng thời, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, như: Tình trạng tăng giá dịch vụ, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến tham quan. Công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được chú trọng. Việc tuyên truyền vận động nhân dân ứng xử thân thiện, văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch, cải thiện môi trường tại nơi công cộng, bãi biển, giữ gìn vệ sinh chung được triển khai sâu rộng, nhất là trên địa bàn có điều kiện phát triển du lịch.

Về xây dựng chính sách về hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch: Trong những năm qua, huyện đã chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ, ưu tiên vào hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật như các cơ sở nhà hàng, cơ sở lưu trú, các công trình phục vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, mua sắm,…; hỗ trợ đầu tư vào các làng nghề, địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng vào các điểm, các làng, bản nằm trên tour, tuyến du lịch chính của huyện để hình thành các khu, tuyến du lịch cộng đồng. Trong năm 2021 và 2022, huyện đã thực hiện hỗ trợ được 11 sản phẩm hàng lưu niệm (20 triệu/sản phẩm) và 1 cơ sở du lịch mới (30 triệu/cơ sở) với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Đề xuất Sở Du lịch hỗ trợ thực hiện xây dựng Làng Văn hóa du lịch Cự nẫm với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Tiếp tục hỗ trợ 04 câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trên địa bàn với mức 10 triệu đồng/năm cho công tác luyện tập, bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa dân gian đặc trưng. Đây là hoạt động nhằm tạo thêm giá trị sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp và tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phát huy, bảo tồn và quảng bá nghệ thuật truyền thống địa phương đến với du khách.

Đối với việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch: Bên cạnh việc tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, tuyến, điểm du lịch đã có thương hiệu tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như du lịch cảnh quan (tham quan thắng cảnh tự nhiên Động Phong Nha, Động Tiên Sơn, Động Thiên Đường, Hang Én); du lịch sinh thái (Suối Nước Moọc, Sông Chày-Hang Tối, Thung Lũng Sinh tồn, Thác Gió…); du lịch văn hóa - lịch sử (hệ thống di tích đường 20 Quyết Thắng); “Tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng- hang động lớn nhất thế giới”, đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như tìm hiểu văn hóa tộc người Arem, Ma Coong gắn với Lễ hội Đập trống, khám phá hang Rục - Cà Roòng, Đền thưởng niệm Đường 20 Quyết thắng, khu du lịch Suối Đá, khu cắm trại Blue Diamond, Lèn Chùa, các loại hình du lịch cộng đồng và các điểm du lịch trong Làng Du lịch Cự Nẫm. Đây là những mô hình du lịch sinh thái cộng đồng vừa dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có của địa phương vừa phát huy được những ưu đãi của thiên nhiên.

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được Nhân dân gìn giữ, phát huy, như: Các lễ hội dân gian; tín ngưỡng, phong tục tập quán miền biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên Sông Son, Sông Lý Hòa; múa bông, chèo cạn, Lễ cầu ngư ở xã Nhân Trạch, xã Thanh Trạch... Ðây chính là nét văn hoá đặc trưng, là các hoạt động kích cầu, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Du lịch cộng đồng homestay, farmstay đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là các mô hình Green Field Eco homestay, Son Doong Bungalow, Phong Nha farmstay, Phong Nha Lake house, The Duck Stop, Sheep Home Phong Nha, Lèn Chùa… đã thu hút nhiều du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương vừa tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của huyện đến với du khách.

Du lịch biển, sau một thời gian chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã hoạt động sôi động trở lại, vào mùa cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8, tại các bãi tắm như Đá Nhảy, Nhân Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại đây đang tiến hành tu sửa, đầu tư mở rộng quy mô để thu hút du khách và đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt vào những tháng cao điểm.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển du lịch: Huyện thường xuyên quan tâm kiện toàn, sắp xếp, bố trí lại cán bộ đảm bảo đủ biên chế theo quy định; đầu tư, mua sắm trang thiết bị; xây dựng đội ngũ quản lý có đủ năng lực, tiêu chuẩn và trách nhiệm để quản lý và điều hành về lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Phối hợp với các dự án để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch và phát triển du lịch cho các hộ kinh doanh homestay, ... Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn gồm các lớp “Kỹ thuật chế biến món ăn” và “Nghiệp vụ nhà hàng”. Ngoài ra, để phát triển Làng Du lịch Cự Nẫm, trong năm vừa qua, UBND xã Cự Nẫm phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công - nông nghiệp Quảng Bình mở 05 lớp đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ du lịch (lớp Tiếng Anh du lịch, lớp đào tạo Bếp trưởng). Bên cạnh đó, đã có nhiều cá nhân, đơn vị tự tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí hoặc tham gia các lớp huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa trong hoạt động du lịch... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương...

Về công tác quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến du lịch: Huyện đã tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến trọng tâm. Đồng thời, huy động, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cùng chủ động tham gia, thực hiện các chương trình, hoạt động quảng bá du lịch Bố Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung thông qua việc tổ chức các lễ hội văn hóa độc đáo, điều chỉnh các hình thức tổ chức mà không làm mất đi ý nghĩa giá trị truyền thống như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son, Sông Lư Ḥa, hội thi cá trắm sông Son, Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, hát tuồng bội của người dân Khương Hà, múa bông, chèo cạn của các xã vùng biển; các lễ hội ẩm thực tương ứng với từng khu vực, địa phương trên địa bàn huyện, các hoạt động chào đón năm mới dương lịch tại Cự Nẫm, Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha. Các đơn vị kinh doanh, dịch vụ du lịch đã tiến hành tổ chức nhiều hoạt động quảng bá về điểm đến du lịch bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó chú trọng quảng bá qua nền tảng số, trang mạng xã hội; kịp thời đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá và kích cầu du lịch, thực hiện chuyển hướng kinh doanh nhằm thu hút du khách đến tham quan sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch: Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như các tuyến đường giao thông quan trọng, các hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ ngân hàng, viễn thông phục vụ du lịch được nâng cấp, như đầu tư nâng cấp một số tuyến đường tại khu vực TDP Hà Lời, Phong Nha, Na, Trằm Mé… ; đường Ba Trại đi Phúc Trạch; tuyến đường ven biển đang được tiến hành xây dựng; nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng tại TDP Cù Lạc 1, TDP Cù Lạc 2;  xây dựng Cầu bắc qua sông Dinh, kết nối với hệ thống đường ven biển… Nhằm xây dựng Làng Du lịch Cự Nẫm, Sở Du lịch đã đầu tư và bàn giao hệ thống đèn đường chiếu sáng với tổng số vốn 3,5 tỷ đồng; huyện đã đầu tư con đường du lịch, hiện tại đang thi công, với số vốn 11 tỷ đồng, đầu tư hệ thống cây xanh đô thị với số vốn 250 triệu đồng. Ngoài ra, quý III năm 2023 này, xã cũng tiến hành triển khai dự án tôn tạo các di tích lịch sử và xây dựng lại Đình làng với tổng số vốn khoảng 15 tỷ đồng.

Nâng cao nhận thức của xã hội về xây dựng, phát triển văn hóa du lịch: Để tạo môi trường thuận lợi cho du lịch huyện nhà phát triển, huyện xác định xây dựng văn hóa du lịch, môi trường kinh doanh lành mạnh, điểm đến an toàn thân thiện cho du khách là một yêu cầu cầu quan trọng. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác an ninh, trật tự trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý triệt để các tệ nạn chèo kéo, cò mồi, ăn xin, hành vi gây mất an toàn, phiền hà cho du khách... tại các điểm du lịch; tuyên truyền nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng tác phong ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch; triển khai thực hiện cam kết về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch bền vững và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tại khu vực đó.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, lĩnh vực du lịch của huyện nửa đầu nhiệm kỳ qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến nay, Bố Trạch đã đón hơn 1,165 triệu lượt khách đến du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt 500 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 171 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 1.601 phòng và 3.328 giường; có 08 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Nha, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Thanh Trạch.

Các sản phẩm du lịch truyền thống, các đặc sản làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, tổng sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên trên địa bàn huyện là 54 sản phẩm. Các loại hình nghệ thuật, 04 câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống gồm: CLB dân ca truyền thống xã Phú Trạch, CLB dân ca huyện Bố Trạch, CLB Tuồng bội Khương Hà, CLB văn hóa dân gian xã Nhân Trạch đang hoạt động khá hiệu quả thông qua việc biểu diễn phục vụ người dân địa phương và du khách đến tham quan, góp phần phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Việc xây dựng Đề án Làng Du lịch Cự Nẫm và đang phát huy được những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, về văn hóa bản địa, về các sản phẩm nông nghiệp góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời giúp bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của ngôi làng trong kháng chiến đã từng “rào làng chiến đấu”. 2 dự án được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả là Khu dịch vụ vui chơi giải trí Suối Đá và Khu dịch vụ nghỉ dưỡng Lèn Chùa; các lợi thế về du lịch tại bãi biển Đá Nhảy đang tiếp tục được khai thác....

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đột phá “phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã định hướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp, nhất là các hoạt động kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch. Thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Tiếp tục khai thác tốt tiềm năng du lịch từ giá trị di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; có giải pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả Đề án Làng du lịch Cự Nẫm.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch huyện nhà. Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của quê hương Di sản thiên nhiên thế giới, quyết tâm đưa du lịch Bố Trạch thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra.

Phan Thị Thương Huyền
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch



Tag:

File đính kèm