Sign In

Một số kết quả qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” trên địa bàn thị xã Ba Đồn

22:25 25/08/2023
Thị xã Ba Đồn là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, được thành lập theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ trên cơ sở chia tách địa giới hành chính huyện Quảng Trạch.



Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Thị ủy, các cấp, các ngành thị xã Ba Đồn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhờ vậy, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 610/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch (cũ) đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/HU triển khai trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết đến toàn thể các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Sau khi chia tách địa giới hành chính, Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn đã ban hành Kế hoạch số 131-KH/ThU ngày 03/9/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch thực hiện các văn bản lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của thị xã.

Quán triệt quan điểm coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, giáo dục và đào tạo được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo thị xã; ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho các thành viên theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết đối với ngành giáo dục và đào tạo của thị xã.

Cấp ủy, chính quyền đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa. Hiện nay, toàn thị xã có 81 cơ sở giáo dục, gồm: Giáo dục mầm non 20 cơ sở, tiểu học 24 trường, trung học cơ sở 17 trường, trung học phổ thông 03 trường, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 16 trung tâm học tập cộng đồng, tạo nên mạng lưới giáo dục khá thuận lợi cho việc học tập của con em trên địa bàn. 100% trường kết nối internet, nhiều trường lắp đặt thiết bị phát sóng wifi, cáp quang internet công suất lớn đảm bảo phủ sóng trong khuôn viên trường, hỗ trợ tốt hoạt động dạy học.

Hàng năm, thị xã trích ngân sách từ 5 - 6 tỷ đồng trở lên cho việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ngoài ra, còn huy động mọi nguồn lực để tăng trưởng cơ sở vật chất, phát triển giáo dục. Tổng kinh phí đầu tư, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong 10 năm qua cho các cấp học là trên 500 tỷ đồng; tổng kinh phí xã hội hóa là trên 110 tỷ đồng. Đến nay, toàn thị xã có 53/57 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,9%, tăng 20 trường so với năm 2014 (trong đó, trường mầm non đạt 81,3%; trường trung học cơ sở đạt 93,3%; trường tiểu học, trường tiểu học và trung học cơ sở, trường trung học phổ thông đạt 100%).

Xác định đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục và đào tạo, thị xã đã chỉ đạo rà soát đội ngũ, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo lộ trình cụ thể hàng năm. Công tác tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế luôn được quan tâm. Từ năm 2013 đến 2020, đã thực hiện 6 đợt tuyển dụng và tuyển dụng 671 biên chế. Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng thủ tục, quy định, quy trình. Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo và có đạo đức nghề nghiệp. Tổng số giáo viên trên địa bàn hiện có 1.590 giáo viên (cả công lập và tư thục), trong đó, mầm non 531 người, tiểu học 488 người, trung học cơ sở 350 người, trung học phổ thông 215 người, giáo dục hướng nghiệp 06 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn khá cao (toàn ngành đạt chuẩn trở lên 97,3%, trong đó trên chuẩn 36,2%). Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn được quan tâm. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên ngày càng vững vàng, khả năng ứng dụng tin học, ngoại ngữ vào quá trình dạy học ngày càng hiệu quả. Tất cả các cơ sở giáo dục đều có các nhân viên đủ phục vụ cho công tác hành chính của nhà trường. Các chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo theo đúng quy định.

Thị xã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các cấp học tập trung phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chú trọng kiến thức, năng lực và kỹ năng sống của học sinh dựa trên khung chuẩn kiến thức kỹ năng các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và tin học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; đổi mới phương pháp thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, bám sát nội dung sách giáo khoa. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm. Số lượng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoàn thành tự đánh giá và số trường được đánh giá ngoài ngày càng tăng lên, hầu hết các trường đã hoàn thành tự đánh giá.

Công tác chỉ đạo, định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được quan tâm. Từ năm 2013 - 2022, có trên 17.600 học sinh khối 8 tốt nghiệp nghề phổ thông, gồm môn Điện dân dụng, Làm vườn, Tin học; trên 16.000 học sinh lớp 9 được tư vấn hướng nghiệp. Hằng năm, tỷ lệ tuyển sinh vào trung học phổ thông từ 92% trở lên; tỷ lệ phân luồng học nghề tại trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề từ 5-8%.

Với tinh thần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý, thị xã luôn khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật, đưa hiệu quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác. Trong 10 năm qua, ngành Giáo dục thị xã đã có trên 40 sản phẩm dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, có 3 sản phẩm dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở thị xã Ba Đồn vẫn còn một số hạn chế, như: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và của ngành Giáo dục và Đào tạo có mặt chưa thực sự quyết liệt. Việc quán triệt, xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết của một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, nội dung chưa sát tình hình thực tế. Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giáo dục ở một số địa phương có lúc chưa chặt chẽ...

Trong thời gian tới, Đảng bộ thị xã Ba Đồn xác định bám sát định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Ba Đồn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tình hình thực tiễn của địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong việc chăm lo phát triển giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về vai tṛ, vị trí của giáo dục và đào tạo. Tích cực đổi mới công tác quản lý về giáo dục và đào tạo. Sắp xếp mạng lưới trường lớp một cách hợp lý. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới; nghiên cứu thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trực thuộc UBND thị xã. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đầu tư theo hướng hiện đại, trường chuẩn quốc gia...

TT



Tag:

File đính kèm