Tân Hóa là một xã vùng cao thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, có 715 hộ với 3.400 khẩu, sinh sống ở 6 thôn; được bao quanh bởi núi non trùng điệp, ở giữa là sông rào Nan uốn lượn.
Năm 2011, người dân xã Tân Hóa bắt đầu nảy ra sáng kiến kết bè phao chống lũ. Dần qua các năm, người dân đã cải tiến bè nổi thành nhà nổi. Từ năm 2012 đến 2020, thông qua cuộc đua “Thử thách Tú Làn”, Công ty Oxalis đã kêu gọi tài trợ được gần 200 ngôi nhà nổi, với thiết kế khung bằng thép, tường và mái làm bằng tôn. Đến nay, đã có hơn 620 căn nhà nổi được xây dựng cho người dân Tân Hóa từ kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước.
Tận dụng các căn nhà nổi cùng với sự hỗ trợ của Công ty Oxalis, 10 hộ dân ở Tân Hóa đã cải tạo nhà nổi thành không gian lưu trú thích ứng với thời tiết. Mỗi căn homestay được thiết kế khép kín, không gian rộng rãi và tiện nghi, diện tích từ 26-40m2, phù hợp cho 1-3 người ở. Nhờ việc tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ, cuộc sống người dân Tân Hóa cũng dần đổi thay, phát triển. Đến nay, đã có hơn 100 lao động địa phương trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên phục vụ khách du lịch trong các tua khám phá hang động Tú Làn và tua trải nghiệm lái xe mô tô địa hình, với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. Sau hơn 10 năm hoạt động khai thác du lịch, Làng du lịch Tân Hóa đã nổi danh trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút hơn 10 ngàn du khách trong nước và quốc tế đến Tân Hoá mỗi năm.
Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là
“Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”
Xác định phát triển du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, là hướng đi mới ở Tân Hóa, với phương châm phát triển toàn diện, bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mình phấn đấu phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực trồng trọt, Tân Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng giống mới, tập trung thâm canh các loại cây trồng có thế mạnh như ngô, lạc. Xác định vụ Đông Xuân là vụ chính; vụ Hè Thu ngoài lúa nước, còn lại diện tích được quy hoạch trồng các loại cây màu, cây họ đậu để tránh lũ lụt. Công tác bảo vệ cây trồng, vật nuôi theo quy ước, hương ước của địa phương được thực hiện tốt. Các công trình thủy lợi hiện có được củng cố, nâng cấp; một số công trình thủy lợi được xây dựng để tăng thêm diện tích lúa nước 2 vụ. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực 1.749 tấn, đạt 102,9% kế hoạch.
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện, Tân Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Xã đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình trang trại, gia trại; triển khai cho Nhân dân chủ động trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đảm bảo khi lũ lụt và mùa rét không thiếu thức ăn cho trâu, bò. Được sự hỗ trợ, khuyến khích của xã, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã mở rộng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn… Tiêu biểu như gia đình anh Trương Quang Thơm (thôn 5 Yên Thọ), mỗi năm nuôi 3 lứa lợn (mỗi lứa từ 40-50 con) và 2-3 lứa gà (mỗi lứa trên 1.000 con), trừ chi phí mỗi năm thu lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng.
Với diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, trong đó có hơn 2/3 diện tích là đồi núi, phát huy thế mạnh của địa phương, Tân Hóa đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng trồng, rừng khoanh nuôi, đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng tập trung, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển trồng rừng kinh tế trên địa bàn. Hiện toàn xã có 420 ha diện tích keo trồng, nhiều hộ dân trong xã thay đổi cuộc sống cũng nhờ trồng rừng như gia đình anh Đinh Minh Phùng, anh Cao Thanh Bình (thôn 5 Yên Thọ), với 5-7 ha keo trồng cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Hoạt động kinh doanh phát triển, mở rộng, trên địa bàn xã hiện có 46 hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả, cho thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu lưu thông, chuyên chở hàng hóa và nông sản phục vụ bà con nhân dân. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng diễn ra sôi nổi, nhiều con em trong xã đi lao động ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, để làm việc, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống của bản thân và lo cho gia đình. Hiện toàn xã có trên 100 con em đi lao động tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Canada... Sự phát triển của kinh tế đã góp phần thay đổi diện mạo của Tân Hóa. Hạ tầng, dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều homestay, nhà hàng mọc lên; thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2023 đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%.
Trên lĩnh vực văn hóa, các thế hệ người dân nơi đây đã tạo dựng nên một nền văn hoá tinh thần mang bản sắc núi rừng quê hương mình, giản dị, chân chất, mộc mạc, với những điệu hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên… Nếu như trước đây, người dân chỉ gói gọn giao lưu trong xã, thì nay nét văn hóa độc đáo này đã được chính quyền và người dân quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế, với mục đích vừa giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được tiếp tục thực hiện; 100% hộ gia đình đăng ký tham gia. Mạng lưới y tế xã ngày càng được củng cố, hoạt động có chất lượng; công tác tổ chức khám chữa bệnh cho Nhân dân, tiêm phòng và tiêm chủng mở rộng hàng tháng đạt 100%, cho trẻ trong độ tuổi quy định uống vitamin A đạt 100%.
Công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, với nhiều hình thức phong phú, nội dung chất lượng. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2023 là 10,90%o, giảm 0,6%o so với năm 2022. Công tác chính sách xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được thực hiện thường xuyên; việc cấp phát trợ cấp xã hội hàng tháng đúng thời gian, quy định; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trong dịp Tết Nguyên đán...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Tân Hóa đã huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ; tăng cường công tác xây dựng nông thôn mới theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đến nay, Tân Hóa đã đạt 19/19 tiêu chí và đang làm hồ sơ trình cấp trên để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, Tân Hóa đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, từng bước thay đổi cuộc sống của người dân.
Lan Anh