Hội Nông dân tỉnh có 159.832 hội viên, sinh hoạt tại 150 cơ sở hội, 1.195 chi hội, 1.265 tổ hội. Với mục tiêu xây dựng Hội Nông dân trở thành chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của hội viên, nông dân, thời gian qua cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Ban Thường vụ Hội luôn quan tâm chăm lo, phát triển kinh tế cho hội viên và nông dân. Nhiều nguồn vốn đã được triển khai, cùng với đó là việc quan tâm, chú trọng đầu tư, tập huấn, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đến hội viên… Nhờ đó, qua 05 năm (2018 - 2023), đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh so với nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu
trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Hội Nông dân tỉnh
Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm, xuyên suốt, mang tính quyết định trong các phong trào thi đua yêu nước của Hội, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của hội viên, nông dân trong lao động sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, hội viên, nông dân đã phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nhằm tạo không khí thi đua, động lực vượt khó vươn lên làm giàu từ nông nghiệp trong mỗi hội viên, nông dân, hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức phát động Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đáng đến các cơ sở hội và hội viên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Đến nay, phong trào đã phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, thu hút hàng chục ngàn hội viên, nông dân tham gia. Bình quân hàng năm có gần 125.500 lượt hội viên, nông dân trong toàn tỉnh đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả: Giai đoạn 2017 - 2022, có 76.885 hộ đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 61,3 % so với số hộ đăng ký. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng hàng trăm lao động địa phương. Tiêu biểu như: Hộ gia đình hội viên Nguyễn Văn Bồn (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch); Đinh Đăng Tuân (xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thủy); Ngô Văn Dương (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh)...
Thông qua phong trào, đã có nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chủ động ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2026. Vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; mở rộng quy mô, các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp. Tổ chức 8 lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 850 lượt cán bộ, hội viên và các giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác về kinh tế tập thể; tập huấn, tham quan học tập, hỗ trợ cơ sở vật chất, đăng ký chất lượng sản phẩm Vietgap cho 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở xã Đức Ninh và xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới)... Đặc biệt, Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng việc tổ chức các hội nghị quảng bá (Hội nghị trực tuyến “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao”; Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tìm hiểu cơ hội đầu tư, bàn giải pháp liên kết tiêu thụ nông sản tại Quảng Bình”...); liên kết, mở các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp; xây dựng trang thông tin điện tử cung cấp thông tin các mặt hàng nông sản, mô hình điểm hình về sản xuất nông nghiệp... giúp hội viên, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Điểm đáng ghi nhận là, nhằm giúp hội viên nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu và đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, Hội Nông dân tỉnh tích chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình liên kết sản xuất, chế biến có hiệu quả… để nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 18 mô hình trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản, 1 mô hình lâm nghiệp… góp phần tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế.
Song song với việc hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, HND các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động xây dựng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Từ nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác và nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh, Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp đã thực hiện 507 dự án cho 4.134 lượt hộ vay, góp phần giải quyết việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, như: Các dự án chăn nuôi bò lai ở Lệ Ninh, Dương Thuỷ (huyện Lệ Thủy); tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lóc ở xã Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thủy); dự án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh)... Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh thực hiện các chính sách về tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Toàn tỉnh hiện có 146/151 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; quản lý 823 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với gần 30.000 thành viên. Quỹ HTND và các chính sách về tín dụng đã phát huy vai trò quan trọng giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc định hướng, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ nông nghiệp, HND các cấp còn phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động, phối hợp vận động nông dân trong tỉnh đóng góp 272,6 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 603.000 m2 đất, 414.440 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; bình quân hàng năm có trên 135.800 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, hơn 120.500 hộ ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; 150 cơ sở hội xây dựng được 439 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, có 1.219 công trình tự quản do các Chi hội đảm nhận.
Những ngày này, hội viên Hội Nông dân các cấp trong toàn tỉnh Quảng Bình đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9. Tin rằng những kết quả đạt được sẽ là động lực để Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục phấn đấu, trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp hội viên, nông dân vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện có hiệu quả khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Như Ý