Sign In

Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Dấu ấn công tác dân vận nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025

10:25 20/09/2023
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định rõ công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng; khẳng định công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị trên cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, những nội dung liên quan đến công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trên cơ sở đó, công tác dân vận được tăng cường, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện gắn với phát huy quyền làm chủ, quan tâm lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; trách nhiệm của hệ thống chính trị góp phần khẳng định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết Chương trình phối hợp
về công tác dân vận với các cơ quan tư pháp tỉnh giai đoạn 2023-2026

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra nhiệm vụ chủ yếu về công tác dân vận đó là: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, hệ thống chính trị về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, về thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đổi mới thực chất, toàn diện nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị. Xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận ở các địa bàn khó khăn, phức tạp, khu vực biên giới. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, bài học về công tác dân vận của Đảng, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhận thức, trách nhiệm, nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác dân vận góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực quan trọng để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Điểm nổi bật thời gian qua là các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị, gắn với tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của Nhân dân; làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 478-QĐ/TU ngày 28/12/2021 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Quy định số 477-QĐ/TU ngày 28/12/2021 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã chú trọng gắn việc đổi mới công tác dân vận với kiên quyết, kiên trì thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kế luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp phần đổi mới phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo chuẩn mực phải hiểu dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để Nhân dân tin tưởng, noi theo.

Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách, các cấp, các ngành đã quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi chủ trương, nghị quyết, chính sách ban hành phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Cả hệ thống chính trị đã tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm,... Công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đã đổi mới thực chất, rõ việc, rõ địa chỉ. Quán triệt và thực hiện Công văn số 176-CV/TU ngày 16/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong triển khai, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các cơ quan, đơn vị đã phân công cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt phụ trách các địa bàn, thành lập các tổ công tác trực tiếp truyên truyền, vận động Nhân dân (như thực hiện Dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch; Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình; Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Dự án Cụm trang trại điện gió BT ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy,....).

Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư gắn với Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 13/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các cơ quan nhà nước đã nghiêm túc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3814/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 về Quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; Công văn số 595/UBND-NC ngày 19/4/2021 về tiếp tục tăng cường công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh,... Việc xây dựng tổ chức, bộ máy làm công tác dân vận các cơ quan nhà nước thường xuyên được quan tâm (trong 3 năm đã tổ chức được 03 lớp bồi dưỡng công tác dân vận  cho hơn 450 lượt cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện,...).

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính với định hướng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển kinh tế - xã hội; có các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ gây ra,... Các lực lượng vũ trang thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp đổi mới công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, định hướng hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 07/4/2023 về phát huy vai trò nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đa dạng hoá các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa bàn và từng giai tầng xã hội.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.988 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, theo hướng sát cơ sở và giải quyết được những vấn đề do thực tiễn đặt ra hằng ngày (tiêu biểu như các mô hình “Zalo – kết nối bình yên”, “Xã, phường không tiếng pháo”, “Nhà trọ đảm bảo an ninh trật tự”, “Đội xe du lịch an toàn”,... của lực lượng Công an các cấp; các mô hình “Nói không với rác thải”, mô hình “Đường hoa”,... của các cấp Hội LHPN; mô hình “Camera giám sát an ninh” của Mặt trận các cấp; mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ” của các cơ quan nhà nước ở nhiều nơi,...).

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách được Nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả (như vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, dồn điền, đổi thửa,…), tạo khí thế phấn khởi, động viên, khích lệ các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước,...

Đảng bộ huyện Bố Trạch chỉ đạo đổi mới mô hình “Dân vận khéo”
“Mỗi xã giúp mỗi bản” tại vùng dân tộc thiểu số, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Công tác tôn giáo và công tác dân tộc được cấp các ngành triển khai thực hiện  đảm bảo theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điểm nổi bật, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ. Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” “Mỗi xã giúp mỗi bản” tại huyện Bố Trạch thực hiện từ năm 2022, đến nay ban thường vụ cấp ủy các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa đã kịp thời phân công các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã phụ trách, giúp đỡ nhiều bản khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 còn một số hạn chế và bất cập, như nội dung, phương thức dân vận của một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự đổi mới; công tác nắm bắt tình hình Nhân dân, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác dân vận các cơ quan nhà nước ở một số nơi đổi mới chưa mạnh mẽ; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa bàn hiệu quả còn hạn chế,...

Phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong thời gian tới xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác dân vận sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của Nhân dân; làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống, phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân, “đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”; tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để “ý Đảng” hợp với “lòng dân”.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; quan tâm thực hiện các chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo.

Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước xây dựng và thực hiện phong cách: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"; thường xuyên sâu sát cơ sở. Các cơ quan nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với Nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để Nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân và giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu tố của dân. Làm tốt công tác thanh tra nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động nắm tình hình và giải quyết những công việc liên quan đến đời sống của Nhân dân.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp theo hướng tập trung về cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; nhân rộng những mô hình, điển hình có hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về về công tác dân vận gắn với quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trương Văn Hà 

Tag:

File đính kèm