Sign In

Nhìn lại 03 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 22/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống Nhân dân

08:56 29/01/2024
Năm 2020, Quảng Bình chịu ảnh hưởng 2 trận lũ lịch sử liên tiếp, làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của Nhà nước. Theo thống kê, có 183 thôn, bản thuộc 33 xã và nhiều tuyến giao thông bị chia cắt; 107 điểm bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất; 106.220 hộ bị ngập; 1.679 nhà bị hư hại; 286 điểm trường bị ảnh hưởng, 1.172 phòng học, phòng chức năng hư hỏng; 73 trạm y tế bị ngập, 06 trạm hư hỏng; hơn 360 km đường giao thông, kênh mương thủy lợi, đê kè bị sạt lở, hư hỏng... Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 3.500 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU nhằm nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất, từng bước khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Trung ương, các tổ chức, cá nhân, tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả triển khai thực hiện

Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã chuyển biến tích cực. Vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, địa phương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được phát huy và thể hiện rõ nét. Các sở, ngành và chính quyền các cấp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo luôn quan tâm lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, mọi nguồn lực tập trung để khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, kinh doanh và chăm lo, nhanh chóng ổn định đời sống người dân sau lũ lụt.

Các mục tiêu Nghị quyết đề ra đã được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đảm bảo yêu cầu, hiệu quả, thể hiện qua các kết quả cụ thể, như: 1.679 ngôi nhà sập, đổ, trôi, nhà hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trước Tết Nguyên đán 2021, với kinh phí trên 410 tỷ đồng. Ổn định chỗ ở mới cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả 103 nhà ở tái định cư tại 04 khu tái định cư (Bản Sắt, Cha Lo, Đạm Thủy, Thuận Tiến), hoàn thiện thêm một số hạng mục công trình phụ trợ giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt.

Mô hình nhà văn hóa cộng đồng gắn với chức năng vượt lũ được nhân rộng.

Hạ tầng phục vụ sản xuất được triển khai khắc phục khẩn cấp, kịp thời. 100% diện tích lúa, hoa màu được phục hồi, sản xuất trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, đặc biệt sản lượng lương thực năm 2021 được mùa, được giá, đạt 32 vạn tấn. Lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân các vùng ngập lụt bị chia cắt được cung ứng đủ, với tổng chi phí hàng hóa 3,3 tỷ đồng, đảm bảo không có người dân bị đói, rét trong dịp Tết Nguyên đán và kỳ giáp hạt năm 2021. 286 điểm trường với 1.172 phòng học chức năng, 6 trạm y tế được sửa chữa, đưa vào sử dụng bình thường sau lũ. Xây dựng 800 mô hình nhà vượt lũ, 80 nhà văn hóa cộng đồng gắn với chức năng vượt lũ để tiếp nhận các hộ dân khi có lũ lụt xảy ra. Toàn bộ hệ thống điện, 360 km đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc được khắc phục. Hệ thống nước sạch tập trung ở nông thôn nhanh chóng khắc phục, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ở nông thôn được nâng lên gần 98%, đảm bảo sức khỏe của người dân nông thôn sau lũ. Hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất từng bước được gia cố, sửa chữa, nâng cấp, với tổng số vốn là 378 tỷ đồng.

Chăn nuôi phục hồi, tổng đàn gia súc gia cầm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tương đương thời điểm trước lũ, đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho người dân dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Nuôi trồng thuỷ sản nhanh chóng phục hồi, phát triển theo hướng bền vững, đa dạng hóa đối tượng nuôi... diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng qua các năm. Công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được chú trọng thực hiện, trọng tâm là bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh việc trồng rừng hàng năm, phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thay thế và trồng cây phân tán bằng các loài cây bản địa… nâng cao khả năng phòng hộ của rừng trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu.

Các cấp, các ngành đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nâng cao năng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; chỉ đạo các chủ hồ chứa, đơn vị quản lý, vận hành và khai thác hồ chứa, đập dâng xây dựng, phê quyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đảm bảo theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa; kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ hàng năm.

Thi công sửa chữa hồ Điều Gà 1, huyện Quảng Ninh.

Tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo bố trí kinh phí đầu tư xây dựng 30 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tổng chiều dài 35 km, với giá trị 720 tỷ đồng. Nhiều công trình đê, kè bờ sông, bờ biển đã được đầu tư xây dựng mới, củng cố, nâng cấp đảm bảo.

Hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm sửa chữa, đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại, đồng bộ; chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị liên quang thường xuyên kiểm tra các điểm ngập lụt, các nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ bùn, lũ quét để cập nhật vào quá trình tổ chức lập, thẩm định, tham mưu phê duyệt các đồ án quy hoạch và trong công tác thẩm định các dự án, công trình đảm bảo theo quy định.

Mặt trận, đoàn thể các cấp chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành địa phương kịp thời tổ chức cứu trợ khẩn cấp; tích cực vận động, tiếp nhận, quản lý và điều phối hàng hóa cứu trợ tới người dân đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tránh các hiện tượng tiêu cực xảy ra. Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận các cấp đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ khắc phục hậu quả do thiên tai bão lũ với số tiền và hàng hóa quy thành tiền trên 500 tỷ đồng, kịp thời phân bổ và phối hợp phân bổ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai.

Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động, xúi giục người dân làm mất an ninh trật tự; đấu tranh phản bác kịp thời, sắc bén thông tin sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng. Chủ động xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2023 - 2028. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đối với công tác phòng chống thiên tai cho người dân ở vùng biên giới; phát huy cao phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai. Thường xuyên đảm bảo tốt công tác hậu cần phục vụ phòng, chống thiên tai; trong đó bố trí, cấp phát trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng công an, quân đội để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai. Nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

Thứ hai, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội cả về nhận thức và hành động trước tình hình và tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Thứ ba, nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Đặt yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai.

Thứ tư, chú trọng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hoá và hiện đại. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai, như: Bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ máy quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình, dự án trọng điểm hồ chứa thủy lợi, đê điều, nhất là các hồ chứa xung yếu, tuyến đê quan trọng; xử lý sạt lở bờ sông. Khẩn cấp di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững.

Thái Hưng

 

 

Tag:

File đính kèm