Trong và sau đại dịch Covid-19, tội phạm ma túy đã có nhiều thay đổi về phương thức, thủ đoạn mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại ma túy. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cũng như tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng.
Các đối tượng phạm tội về ma túy đã móc nối, hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy, phổ biến là ma túy tổng hợp, từ Lào và từ các tỉnh khác (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và một số tỉnh phía Bắc) về địa bàn Quảng Bình để tiêu thụ; tập trung hoạt động trên tuyến biên giới Việt - Lào, Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tiểu ngạch qua biên giới. Nổi lên là hoạt động tập kết ma túy ở khu vực giáp biên, tại những địa bàn rừng núi hẻo lánh để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng; sau đó, lựa chọn và thuê người vận chuyển ma túy theo đường tiểu ngạch, đường mòn gùi, vác vào địa bàn tỉnh Quảng Bình hoặc các tỉnh lân cận để vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Loại ma túy vận chuyển qua biên giới chủ yếu là Hồng phiến và ma túy đá.
Tang vật của một trong những chuyên án ma túy lớn đầu năm 2024
của các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh
Đối với Thuốc lắc và Ketamin, thường có nguồn gốc từ Châu Âu, được các đối tượng ngụy trang vào hàng hóa (như: Thiết bị điện tử, loa thùng, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm chức năng,…) rồi vận chuyển hòng “qua mặt” lực lượng chức năng.
Tình hình các đối tượng phạm tội ma túy lợi dụng không gian mạng để hoạt động đang có xu hướng tăng, nhất là việc lập các hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram,...) để liên lạc, trao đổi. Việc giao dịch, mua bán qua các ứng dụng, dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phổ biến, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi, đấu tranh.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 36-CT/TW, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam; ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 26/12/2019 về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 05/3/2020, Kế hoạch số 2374/KH-UBND ngày 25/10/2021 về thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 06/02/2024 phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024 - 2026”, nhằm tăng cường nguồn lực, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh...
Một buổi tuyên truyền về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch
Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, đã tích cực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” được tổ chức hằng năm và các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm do Công an tỉnh phát động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW, lực lượng phòng, chống ma túy toàn tỉnh đã đấu tranh, triệt xóa, vô hiệu hóa 55 đường dây, 03 ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, 77 điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, bắt giữ 1.429 vụ vi phạm pháp luật về ma túy (thu giữ 767.359 viên và 586,376 kg ma túy tổng hợp các loại; 10,377 kg ma túy loại Heroin; 19,596 kg ma túy loại Cần sa; 19,216 kg ma túy tổng hợp loại Cocain cùng nhiều tang vật khác có liên quan).
Lực lượng phòng, chống ma túy toàn tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu và chủ trì, phối hợp tổ chức 1.053 buổi tuyên truyền, phát hơn 87.000 tờ rơi có nội dung về tác hại ma túy và công tác phòng, chống ma túy cho hơn 220.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, quần chúng Nhân dân tham gia. Công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy được quan tâm, triển khai đồng bộ, đa dạng về hình thức thông tin ở các trường học, cơ quan; tổ chức hội nghị, đăng tải phóng sự, tin bài. Đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho 1.840 cán bộ các cấp về công tác lập hồ sơ cai nghiện, tư vấn điều trị nghiện ma túy, quy trình cắt cơn điều trị cho người nghiện, xét nghiệm tìm chất ma túy và xác định tình trạng nghiện...
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự hưởng ứng của Nhân dân. Các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy đã khơi dậy được ý thức chấp hành pháp luật, giúp nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực của người dân trong tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ngay tại địa bàn cơ sở; phòng tránh các hiểm họa từ ma túy. Qua đó, đã giúp lực lượng Công an kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của các loại tội phạm về ma túy trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 25 mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Một số mô hình hoạt động hiệu quả, như: Bản biên giới không có ma túy (tại bản Pơ Loang, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh); xã không có ma túy (tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh); xã biên giới sạch về ma túy (tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch)… Nhờ đó, những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không hình thành các tụ điểm ma túy.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy với nhiều chủ đề (như: “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy”; “Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy”;...), cùng với nhiều hoạt động thiết thực khác, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy.
Các cơ quan, đơn vị chức năng đã làm tốt công tác quản lý hoạt động mua bán thuốc tân dược của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm vững, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và kinh doanh tiền chất, mua bán thuốc tân dược. Nhờ đó, đến nay chưa nảy sinh vụ việc vi phạm về sử dụng tiền chất liên quan đến ma túy trên địa bàn.
Thường xuyên tiến hành rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý và đưa ra khỏi danh sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, danh sách quản lý người nghiện. Toàn tỉnh hiện có 127 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; 208 y sĩ, bác sĩ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Lực lượng Công an xã chính quy được giao trực tiếp thực hiện việc rà soát, quản lý, lập hồ sơ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân đã tạo những thuận lợi cho việc rà soát và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Chú trọng tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; xây dựng lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy toàn tỉnh vững mạnh, đủ năng lực; đã thường xuyên lãnh đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống ma túy từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với một số tổ chức quốc tế và quốc gia trong khu vực, nhất là quan hệ phối hợp, hợp tác với lực lượng chức năng hai tỉnh Khăm Muồn và Sạ Vẳn Na Khệt (Lào) trong công tác phòng, chống ma túy. Các chương trình, kế hoạch, hoạt động phối hợp giữa lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình với 02 tỉnh nước Bạn Lào được triển khai đa dạng, thường xuyên. Hai bên đã thực hiện công tác đàm phán, ký kết, triển khai thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW trên địa bàn tỉnh
Thứ nhất, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là nhiệm vụ lâu dài, quan trọng của cả hệ thống chính trị, chỉ đạt được thắng lợi khi công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai quyết liệt với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, mà nòng cốt là lực lượng Công an.
Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương, ý thức trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát tệ nạn ma túy. Phát huy rõ nét vai trò của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Nơi nào cấp ủy, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW thì nơi đó đạt kết quả tích cực và đi vào thực chất.
Thứ ba, làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng Nhân dân hiểu rõ tác hại của ma túy, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy để phòng, tránh và giúp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn. Lấy công tác phòng ngừa là chính. Công tác tuyên truyền cần phải được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa hình thức, từ đó tạo được hiệu quả thiết thực đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thứ tư, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW.
Thứ năm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống tội phạm để biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền, nhân rộng, tạo sự lan tỏa tích cực đến các cấp, các ngành và xã hội.
Lê Tâm