Sign In

“Thiền phái Trúc Lâm sau bao thăng trầm vẫn sống động, tiếp tục lan toả…”

15:48 10/09/2023

Sau quá trình phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, cho đến nay, hồ sơ đã hoàn thành, được gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các bước tiếp theo.

Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Tân Văn, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

- Xin ông cho biết, các đơn vị tư vấn đã có những nỗ lực như thế nào trong quá trình triển khai xây dựng hồ sơ di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc?

+ Hồ sơ di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một hồ sơ rất phức tạp, có tính chất liên tỉnh, đa ngành, đa lĩnh vực, cũng là một hồ sơ di sản văn hoá thế giới dạng chuỗi lần đầu tiên Việt Nam triển khai. Vì thế mà quá trình xây dựng hồ sơ có rất nhiều khó khăn, thời gian triển khai cũng tương đối thúc ép…

Tuy nhiên, các địa phương rất quyết tâm, đã hết sức nỗ lực chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị tư vấn làm việc. Các đơn vị tư vấn cũng đã rất cố gắng trong việc kết nối với các chuyên gia tư vấn quốc tế để cùng lúc làm các chương mục của hồ sơ, ghép nối và đồng thời làm cả bản hồ sơ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cho đến giờ phút này thì mặc dù thời gian còn lại rất là ít nhưng mà chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta đã hết sức cố gắng đảm bảo đúng lộ trình, đúng hạn.


PGS.TS Trần Tân Văn trình bày về hồ sơ Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại hội nghị do Bộ VH,TT&DL tổ chức, tháng 8/2023.

Về chất lượng, nội dung hồ sơ thì chúng tôi tin rằng, chúng ta đã lựa chọn đúng một số tiêu chí và đang cố gắng biện luận tốt cho những tiêu chí đó. Việc phân tích, đối sánh cũng tương đối đầy đủ. Và chúng ta sẽ chuẩn bị thật chu đáo để giải trình trước các nhận xét, đánh giá của Uỷ ban Di sản thế giới. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, kết quả sẽ tốt đẹp đối với hồ sơ Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

- Quá trình thực hiện hồ sơ, các nhà khoa học kể câu chuyện như thế nào về Yên Tử?

+ Dãy núi Yên Tử là một vùng đất rất đặc biệt. Nơi đây đã chứng kiến nhiều quá trình biến đổi về địa chất, địa mạo diễn ra và cũng là một vùng địa chính trị chiến lược của Đại Việt. Vùng đất này từ xưa đến nay đã, đang tiếp tục được con người đến định cư, có rất nhiều hoạt động giao lưu, giao thương mang tính quốc tế. Đến thế kỷ 13, đây là quê hương của họ Trần, dòng họ sau này đã dựng nên một triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Cũng ở vùng đất này, các vị vua đầu triều Trần và rất nhiều các thiền sư, cư sĩ khác đã khởi xướng lên Thiền phái Trúc Lâm có rất nhiều giá trị độc đáo, trở thành một bệ đỡ tư tưởng cho việc đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân trong việc tu dưỡng đạo đức, cùng nhau vượt qua nạn xâm lăng của quân Mông Nguyên khi đó.


Đông đảo du khách hành hương tìm về các giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hàng năm.

Giá trị của Thiền phái Trúc Lâm không chỉ ở vùng đất Yên Tử mà còn lan toả ra rất nhiều vùng miền khác của Đại Việt. Trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử, Thiền phái Trúc Lâm đến bây giờ vẫn sống động, tiếp tục lan toả không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới; lan toả sang các nước láng giềng, góp phần ngăn chặn chiến tranh, gìn giữ hoà bình...

- Cùng với giá trị nổi bật toàn cầu thì việc xác định tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, trong đó đặc biệt khá lo ngại trong việc bảo vệ tính xác thực của di sản trước các chuyên gia của UNESCO. Vậy điều này sẽ được các nhà khoa học hoá giải như thế nào?

+ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là nơi chứa đựng hàng trăm, hàng nghìn di tích, di vật, di chỉ; có rất nhiều di vật, di chỉ vẫn còn tồn tại qua cả nghìn năm, nhưng cũng có nhiều di tích, di vật không còn sự nguyên vẹn nữa…


Nhiều am tháp tại Yên Tử trải qua thời gian vẫn được gìn giữ cho tới nay.

Vậy cho nên, chúng tôi trình bày về tính xác thực không phải ở góc độ về vật liệu hay kiến trúc mà trình bày về vị trí, công năng, chức năng sử dụng của các công trình. Trải qua rất nhiều thời gian, thiên tai, địch hoạ, các công trình có thể mở rộng, có thể điều chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên được những vị trí, công năng ban đầu. Đấy chính là tính xác thực của di sản.

- Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang và hiện đang được các địa phương trong vùng di sản quản lý theo địa giới hành chính. Vậy các nhà khoa học đề xuất việc quản lý sau đó như thế nào nếu được công nhận là Di sản thế giới?


Du khách nghe cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử giới thiệu về giá trị lịch sử của chùa Hoa Yên tại Yên Tử (TP Uông Bí).

+ Chắc chắn là sẽ có nhiều thay đổi, thay đổi về căn bản trong việc quản lý. Đây là một di sản thế giới liên tỉnh, dạng chuỗi thì tất nhiên là di sản ở địa phương nào thì sẽ điều phối, quản lý theo cách của địa phương đó như hiện nay. Tuy nhiên, về mặt cơ cấu tổ chức thì chúng ta cần phải có một ban quản lý chung, thống nhất, kể cả là ban quản lý đó không hoạt động thường xuyên, hàng ngày thì cũng sẽ phải định kỳ hoạt động hàng tháng, hàng quý.

Và ban quản lý đó có trách nhiệm đưa ra một kế hoạch quản lý chung, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản chung cho 3 tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch quản lý chung đó thì mỗi tỉnh sẽ xây dựng một kế hoạch quản lý riêng, cụ thể cho địa phương mình liên quan tới việc cấp kinh phí trong dài hạn, về mặt con người, trang thiết bị phải rất đồng bộ. Chúng ta hoạt động là hoạt động liên tỉnh và việc điều phối phải rất đồng bộ với nhau.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phan Hằng (Thực hiện)

Tag:

File đính kèm