Các tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024 được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)
Hiện thực hóa những mục tiêu trọng tâm
Những năm qua huyện Đầm Hà luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Nội dung này càng đột phá hơn trong năm 2024, khi đây được lựa chọn là chủ đề công tác của huyện, với những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm, chương trình hành động cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngay từ đầu năm, huyện đã chú trọng triển khai hiệu quả việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, cải thiện cơ sở vật chất. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để cổ vũ phong trào thi đua trong toàn ngành...
Đến nay, toàn huyện có tổng số 27 trường, 380 lớp, với đủ các cấp học, bậc học, đáp ứng nhu cầu của con em các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, 26/26 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, với 7 trường đạt chuẩn mức độ 2. Hằng năm, huyện ưu tiên kinh phí đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục theo đúng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã bố trí hơn 34 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp giáo dục và các khoản hợp pháp khác, tiến hành sửa chữa các trường, điểm trường, nhất là những trường, điểm trường phục vụ việc dồn ghép điểm trường, đón học sinh vùng sâu, vùng xa về học tại khu vực trung tâm với điều kiện chu đáo nhất.
Giáo viên Trường THCS Quảng An (huyện Đầm Hà) phối hợp tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp chuẩn bị đón năm học mới.
Huyện cũng thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học. Cùng với đó là tổ chức quản lý, quản trị trường học theo hướng phân cấp, phân quyền tự chủ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Việc xã hội hóa công tác GD&ĐT được đẩy mạnh. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện thường xuyên kết nối với MTTQ và các đoàn thể, tích cực tham gia hoạt động thăm hỏi, trao học bổng, tặng quà, xe đạp, đồ dùng học tập... cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Những nỗ lực về nhiều mặt đã giúp ngành giáo dục Đầm Hà đạt nhiều kết quả tốt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá luôn đạt trên 98%. Kết thúc năm học 2023-2024, huyện có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 11 giải ba và khuyến khích các môn thi học sinh giỏi cấp tỉnh; có 3 giải nhất, 2 giải nhì, 6 giải ba tại Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh; 3 học sinh đạt danh hiệu Thanh niên tiêu biểu cấp tỉnh; 18 giáo viên THCS dạy giỏi cấp tỉnh; 108 giáo viên tiểu học, THCS là chủ nhiệm giỏi cấp huyện...
Thống kê từ năm 2021 đến nay, Đầm Hà có 7 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, 311 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; có trên 600 sáng kiến của cán bộ, giáo viên được công nhận cấp huyện...
Quyết tâm trong năm học mới
Năm học 2024-2025, huyện Đầm Hà phấn đấu duy trì tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 100%; có thêm 1-2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; duy trì vững chắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3. Đồng thời phấn đấu học sinh trung học lên lớp thẳng đạt tỷ lệ 99% trở lên; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99% trở lên; cải thiện vị trí xếp hạng thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT... Đội ngũ quản lý, giáo viên đạt 100% chuẩn nghề nghiệp và áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy...
Lãnh đạo huyện Đầm Hà kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường THCS thị trấn Đầm Hà. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, huyện đã chủ động bố trí, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đảm bảo số lượng phù hợp, cân đối giữa các trường; tiếp tục có giải pháp khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học, đảm bảo cho học sinh có đủ sách giáo khoa theo đúng bộ sách đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Chương trình GDPT 2018.
Nội dung xây dựng văn hóa trường học tiếp tục là điểm nhấn. Đầm Hà phấn đấu mỗi trường học có ít nhất 1 CLB văn hóa văn nghệ, 1 CLB thể thao; linh hoạt tổ chức, hưởng ứng các cuộc thi, chương trình giao lưu, liên hoan, hội diễn... các cấp thiết thực, hiệu quả. Huyện cũng định hướng các nhà trường thực hiện hiệu quả văn hóa học đường mang bản sắc riêng của địa phương, từng vùng miền, dân tộc. Việc triển khai xây dựng mô hình “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” tại các trường học trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì, góp phần tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế mới cho học sinh...
Không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Quảng Tân (huyện Đầm Hà).
Ông Tô Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Nhiệm vụ then chốt là phải phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát triển, đổi mới sự nghiệp giáo dục. Từ các chi ủy, chi bộ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của nhà trường; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cấp ủy, chính quyền địa phương với việc thực hiện các chỉ tiêu về GD&ĐT. Đồng thời chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của toàn xã hội đồng hành với ngành giáo dục qua các hoạt động cụ thể. Huyện cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT, quyết tâm thi đua để năm học mới gặt hái nhiều thành công.