Sign In

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

05:35 08/09/2024
Những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đã tạo môi trường để HSSV rèn luyện, nâng cao nhận thức, hành động đúng đắn trước những quan điểm sai trái, lệch lạc, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, góp phần định hình, phát huy những phẩm chất, năng lực của HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những cách làm cụ thể

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ…”.


Đồng chí Bí thư Huyện ủy và Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu trao quyết định, tặng hoa chúc mừng 2 học sinh dân tộc thiểu số được kết nạp Đảng, tháng 5/2024.

Bám sát mục tiêu này, trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh, đặc biệt là ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai các giải pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Theo đó, cùng với việc tích hợp giáo dục lý tưởng, đạo đức cho HSSV trong các môn học văn hóa như: Ngữ văn, Giáo dục kinh tế pháp luật, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh, các nhà trường đều chú trọng thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng chủ đề sinh hoạt dưới cờ từng tuần, từng tháng, như: Chào năm học mới, giáo dục ATGT, phòng chống bạo lực học đường, ngày Pháp luật Việt Nam, bảo vệ môi trường… Thông qua các hình thức biểu diễn văn nghệ, sân khấu hóa tiểu phẩm tuyên truyền, hội thi, đã truyền tải sinh động, cụ thể kiến thức, định hướng suy nghĩ, hành động của học sinh trong văn hóa ứng xử, lối sống lành mạnh, văn minh, tuân thủ pháp luật.

Thầy giáo Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu (Bình Liêu), cho biết: Trong năm học qua, bám sát chỉ đạo của ngành, nhà trường đặc biệt quan tâm công tác phát triển Đảng, bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong học sinh cấp THPT. Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh tiêu biểu, xuất sắc để phát triển Đảng không chỉ tạo động lực, cổ vũ học sinh tiếp tục nuôi dưỡng lý tưởng, không ngừng phấn đấu mà còn xây dựng nên tấm gương điển hình cho học sinh toàn trường học tập, noi theo. Ngoài ra, việc tổ chức các hành trình về “địa chỉ đỏ”, cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống địa phương cũng là một trong những cách làm hiệu quả mà nhà trường triển khai trong nhiều năm qua. Từ đây hình thành cho các em niềm tự hào, lòng biết ơn, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong học tập, lao động, phát huy các giá trị truyền thống quê hương.


Một giờ học theo chủ điểm chào mừng Quốc khánh 2/9 tại cơ sở mầm non Những bước chân nhỏ - Small Steps.

Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh được bắt đầu ngay từ cấp học mầm non. Chị Nguyễn Thị Huyền Linh, chủ cơ sở mầm non Những bước chân nhỏ - Small Steps (phường Hồng Gai, Hạ Long), chia sẻ: Mỗi chương trình học của nhà trường đều được thiết kế tạo cơ hội cho trẻ tăng cường trải nghiệm thực tế. Từ những hoạt động vừa học vừa chơi như tập làm đồ chơi từ vật liệu tái chế, tham gia dọn vệ sinh lớp học, tổ chức chuyến đi dã ngoại… đều giúp học sinh từng bước có nhận thức đúng, biết phân biệt đúng, sai, điều nên làm, không nên làm trước các sự việc trong cuộc sống. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên trao đổi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình, để kịp thời nắm bắt, định hướng tâm lý, hình thành thói quen tốt của trẻ trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.


CLB truyền thông của Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh họp bàn xây dựng nội dung tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của nhà trường.

Hiện nay, việc HSSV sử dụng mạng internet, mạng xã hội để phục vụ học tập, giao tiếp xã hội trở nên rất phổ biến. Là một trong 4 trường học tại TP Hạ Long triển khai mô hình thí điểm “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh” do Tỉnh Đoàn phối hợp với một số ngành triển khai, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã tích cực, chủ động các giải pháp nhằm định hướng sinh viên sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, hạn chế những tác động tiêu cực đối với HSSV.

Theo đó, hằng năm nhà trường đều tổ chức cho HSSV ký cam kết về việc sử dụng mạng xã hội an toàn. Các nội dung, thông tin hữu ích, chính thống được đăng tải hằng ngày trên các trang mạng xã hội facebook, zalo của nhà trường bằng nhiều hình thức hấp dẫn như infographic, video clip giúp HSSV dễ dàng tiếp nhận. Nhà trường cũng luôn theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những hành vi, thông tin chưa chuẩn mực trên mạng xã hội của HSSV. Từ đây, tạo cho HSSV ý thức chủ động sàng lọc, nhận diện các thông tin “xấu”, “độc”, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT chủ động xây dụng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ CBCCVC-NLĐ, HSSV trong toàn ngành Giáo dục. 100% đội ngũ CBCCVC-NLĐ, HSSV được quán triệt, phổ biến, nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó có tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của CBCCVC-NLĐ, HSSV về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách cho HSSV noi theo; tập trung bồi dưỡng ý thức tự giác của HSSV trong học tập, hoạt động xã hội, rèn luyện phẩm chất chính trị và nhân cách.


Giáo viên Tổng phụ trách hướng dẫn học sinh chấp hành Luật giao thông tại Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long). Ảnh: Minh Yến

Sở GD&ĐT đã xây dựng 2 đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu gồm: Đề tài Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức, hành vi của học sinh thông qua giáo dục đạo đức trong các nhà trường THCS, THPT tỉnh Quảng Ninh” và đề tài “Nghiên cứu và đề xuất mô hình tham vấn tâm lý học đường cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT phối hợp với Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho HSSV tại các cơ sở giáo dục. Năm học 2023-2024, các ngành đã phối hợp tổ chức 227 buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tại các trường học dưới hình thức hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật... tại các trường học trên địa bàn.


Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các học sinh tiêu biểu, xuất sắc năm học 2023-2024.

Để công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV tiếp tục đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HSSV theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HSSV. Bởi tấm gương về đạo đức, lối sống của cha mẹ và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa và hiệu quả hơn ngàn vạn bài học lý thuyết về đạo đức mà HSSV được học.

Nguyễn Dung

Tag:

File đính kèm