Sign In

Tiên Yên: Phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bài 1: Dấu ấn từ đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số

00:00 19/09/2023

"Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt", thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tiên Yên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công việc cũng như ý thức được trách nhiệm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

A Cắm (bên phải trong cùng) thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Hà Lâu.
Đảng viên Sằn Văn Cắm (bên phải trong cùng) thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Hà Lâu.

Đảng viên đi trước

Những năm trước đây, Hà Lâu được biết đến là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên. Nhưng giờ đây, Hà Lâu đã thực sự đổi thay, với dáng dấp của một xã nông thôn mới nâng cao đang dần hiện hữu, con đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa 100%, công trình phúc lợi được xây dựng khang trang. Đặc biệt, người dân tộc Dao ở đây đã biết xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chính tinh thần “người đứng đầu, quyết đi đầu” của cán bộ, đảng viên tại các chi bộ thôn, bản ở xã Hà Lâu đã “tiếp lửa” cho các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Lâu.

Anh Sằn Văn Cắm, đảng viên Chi bộ thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu (Tiên Yên) là một tấm gương điển hình như vậy. Năm 2005, anh Cắm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với sự nhiệt tình, năng nổ, anh được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ, trưởng thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu. Hơn 10 năm công tác ở vị trí Bí thư Chi bộ cho đến khi nghỉ nhiệm vụ của thôn, anh Cắm luôn là một đảng viên tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của thôn, đặc biệt trong phát triển kinh tế gia đình. Trước kia, người dân tộc Dao ở thôn Hà Bắc có diện tích đất rừng lớn, tuy nhiên không phát huy hết giá trị của đồi rừng, vì thế hiệu quả kinh tế chưa cao, cái nghèo vẫn còn đeo bám. Năm 2014, với trách nhiệm là người đứng đầu Chi bộ thôn, anh Cắm đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua giống gà Tiên Yên về nuôi theo quy trình VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh đã gây dựng được trang trại nuôi hơn 4.000 con gà Tiên Yên, mỗi năm thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Từ hiệu quả của mô hình nuôi gà thương phẩm Tiên Yên, anh đã tuyên truyền đến bà con trong thôn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi đến những người muốn học hỏi. Kết quả anh đã vận động được hàng chục hộ dân chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang nuôi gà. Hằng năm, mỗi gia đình trong thôn có thu nhập trung bình 70 đến 100 triệu đồng từ việc chăn nuôi gà. Đến nay, trong thôn chỉ còn duy nhất 2 hộ nghèo.

Không những vậy, anh Cắm còn luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM) của địa phương. Năm 2020, anh Cắm đã hiến 500 m2 đất rừng trồng keo của gia đình để làm tuyến đường dẫn vào đập chứa nước; vận động người dân thôn hiến đất, đóng góp ngày công làm làm đường, làm đập chứa nước dẫn nước về đồng. Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất. Với những đóng góp tích cực của anh Cắm, thôn Hà Bắc đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trước 1 năm so với lộ trình và góp phần đưa xã Hà Lâu thoát khỏi diện 135 và về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Mô hình trồng keo đem lại hiệu quả kinh tế cao của đảng viên Nình A Kun, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên.
Mô hình trồng keo đem lại hiệu quả kinh tế cao của đảng viên Nình A Kun, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên.

“Trong suốt thời gian công tác khi còn là Bí thư Chi bộ, tôi và các đồng chí đảng viên trong chi bộ thôn luôn trăn trở tìm cách định hướng giúp người dân thoát nghèo. Để người dân trong thôn tin và làm theo, bản thân mình phải đi trước, làm trước trong mọi hoạt động phong trào. Vì vậy, tôi đã quyết định vay vốn đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm Tiên Yên, trải qua nhiều khó khăn mô hình nuôi gà của gia đình tôi phát triển tốt đem lại thu nhập cao. Người dân trong thôn nhìn thấy hiệu quả nên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo từ mô hình này”.

Khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên

Đảng bộ xã Hà Lâu hiện có 165 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã luôn khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đổi mới tư duy, xây dựng thành công các mô hình kinh tế để người dân học tập và nhân rộng. Nhờ phát huy được sự nêu gương của cán bộ, đảng viên nên từ một xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tiên Yên, đến nay, diện mạo của Hà Lâu đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2019, xã Hà Lâu đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 0,55%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Đồng chí Tô Văn Khải, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu cho biết: “Thực tế cho thấy, ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đảng viên gương mẫu sẽ có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân, dễ khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng bộ xã Hà Lâu xác định đây chính là yếu tố quan trọng nhằm thay đổi tư duy, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua làm giàu, thoát nghèo trên địa bàn xã. Điều đáng nói, không chỉ giúp người dân tích cực phát triển kinh tế, các đảng viên còn thực hiện tốt công tác dân vận khéo để người dân tộc thiểu số trên địa bàn từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đại Dực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đại Dực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ ở Hà Lâu, mà nhiều địa phương vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tiên Yên, các đảng viên đã và đang tiên phong đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao để khuyến khích, động viên người dân tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, đảng viên ở vùng dân tộc thiểu số còn là “cầu nối” gắn kết, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy, chính quyền địa phương và trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng và người dân. Anh Chìu Chăn Phúc, thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, chia sẻ: “Chính nhờ sự tiên phong, nêu gương của đảng viên trong thôn về việc xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, bản thân tôi và gia đình đã quyết tâm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tích cực tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm cùng với các hộ dân trong thôn để thôn đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đảng viên Sằn Văn Cắm, Chi bộ thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vận động người dân tham gia các phong trào của địa phương.
Đảng viên Sằn Văn Cắm, Chi bộ thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu, là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vận động người dân tham gia các phong trào của địa phương.

Đảng bộ huyện Tiên Yên hiện có 29 chi, đảng bộ cơ sở với 2.916 đảng viên, trong đó có 1.097 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đảng viên ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn thể hiện vai trò “đầu tàu”, gương mẫu trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương. Đồng thời, họ luôn là “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng... Những việc làm của họ đã và đang góp phần chung tay xây dựng quê hương Tiên Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Hoàn (Trung tâm TT&VH Tiên Yên)

Tag:

File đính kèm