Sign In

Xây dựng con người Hạ Long phát triển toàn diện

09:54 01/11/2023

Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Cụ thể hoá nghị quyết, TP Hạ Long đã có nhiều cách làm rất hiệu quả, phù hợp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hạ Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao bằng khen cho Đảng bộ TP Hạ Long, Đảng bộ TX Quảng Yên, Đảng bộ huyện Vân Đồn có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”.

Quan tâm phát triển đời sống văn hoá ở cơ sở 

Xác định việc quan tâm đầu tư cho văn hóa chính là quan tâm đầu tư cho con người, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển KT-XH, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 95 di tích, trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 6 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 74 di tích đã kiểm kê phân loại chưa xếp hạng. Đáng chú ý là hằng năm, TP Hạ Long đã dành 2% tổng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, du lịch của địa phương. Tổng dự toán giai đoạn 2018-2021 là khoảng 38 tỷ đồng.

UBND phường Cao Xanh tổ chức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập TP Hạ Long 27/12 (1993-2023) đối với công trình sân vui chơi tại tổ 52B, khu 4B.

Trong giai đoạn 2018-2022, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa cấp phường, xã, thôn, khu phố với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng. Riêng năm 2022, có 2 công trình thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng và hoàn thành là Khu vui chơi công cộng (phường Hà Phong) và xây mới nhà văn hoá khu 2 (phường Hà Trung) với tổng số tiền đầu tư khoảng 7,1 tỷ đồng. Hiện nay, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng trong kế hoạch năm 2023 đối với 24 công trình nhà văn hóa trên địa bàn thành phố thực hiện theo Nghị quyết 21/NQ-TU ngày 31/12/2020 về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005.

Thông qua việc đầu tư, hoàn thiện, quản lý và khai thác tốt các thiết chế văn hóa, thể thao đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố, đảm bảo công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, duy trì các hoạt động câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi cho thanh thiếu nhi...

Tiết mục nhảy dân vũ với sự tham gia của hơn 600 hội viên Hội LHPN thành phố Hạ Long tại Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 1 (phường Hùng Thắng), cho biết: Được thành phố quan tâm đầu tư, nên phong trào văn hóa, văn nghệ đã phát triển mạnh mẽ về tận các khu phố. Đơn cử như phong trào nhảy dân vũ thể thao hiện đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên ở nhiều thành phần, lứa tuổi, tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe và mang niềm vui, sức sống mới cho chị em. Các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng được tổ chức sôi nổi ở khu phố đã tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, gắn kết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, TP Hạ Long đã tổ chức thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua, tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; "Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh"...

Lễ hội Bạch Đằng được tái hiện sinh động tại Carnaval Hạ Long 2023. Ảnh: Đỗ Phương

Qua đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy. Các phong trào tập luyện thể dục thể thao được phát động, đặc biệt là các phong trào thể thao quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong các khu dân cư. Nhiều cuộc vận động, phong trào do các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP Hạ Long, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, với vai trò là địa phương trọng điểm về du lịch, thành phố cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn, qua đó quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch của thành phố. Nổi bật như chương trình Carnaval Hạ Long được tổ chức thường niên từ năm 2007, đến nay đã trải qua 15 mùa lễ hội, là một hành trình rực rỡ sắc màu, hội tụ nét độc đáo của bản sắc văn hóa địa phương, trở thành điểm hẹn thường niên mở đầu mùa du lịch hè của Quảng Ninh. Chương trình cũng góp phần lan tỏa hình ảnh một Hạ Long thân thiện, mến khách, một Quảng Ninh giàu truyền thống không ngừng vươn lên, đổi mới và hội nhập.

Hình thành nếp sống lành mạnh, dân chủ, kỷ cương 

 Thi đấu môn thể thao đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng TP Hạ Long năm 2023. Ảnh: Thái Ngạn (CTV)

Bám sát vào Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, TP Hạ Long luôn coi trọng, đổi mới công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tổ chức lễ hội được cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Hiện tượng đặt tiền lễ không đúng nơi quy định đã cơ bản được hạn chế; việc đốt vàng mã đúng nơi quy định được thực hiện tốt. Các hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại các di tích, lễ hội được thực hiện đúng quy định.

Thành ủy Hạ Long tổ chức cuộc thi sân khấu hóa cấp thành phố tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” năm 2023. 

Công tác quản lý dịch vụ văn hóa cũng được tăng cường triển khai thực hiện. Đồng thời ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn. Các bản quy ước được xây dựng sát với tình hình thực tế góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Hiện nay 243/243 thôn, khu phố trên địa bàn đã thực hiện xây dựng các bản quy ước, hương ước. Qua đó, phát huy tính tự giác của nhân dân trong việc tham gia xây dựng cộng đồng dân cư, đô thị văn minh - sạch đẹp, xã đạt chuẩn nông thôn mới, giữ gìn cảnh quan vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa.

TP Hạ Long tổ chức đào tạo nghiệp vụ du lịch gia đình tại thôn Đồng Đạng (xã Sơn Dương).

Đông đảo người dân trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành thói quen, hành vi trong ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện. Cùng với đó, hình thành trong mỗi gia đình có đời sống văn hóa, tinh thần no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh...

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn thành phố đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người ngày càng có sự chuyển biến mạnh mẽ, văn hóa từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo triển khai các tiêu chí xây dựng TP Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Để thực hiện được nội dung này, chúng tôi xác định vai trò nêu gương của mỗi đảng viên theo thẩm quyền của cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất góp phần cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Thành phố cũng sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học về “Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn thành phố trong định hướng phát triển bền vững”, từ đó làm cơ sở cho đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hoàng Nga

Tag:

File đính kèm