Sign In

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

06:55 29/11/2023

Từ bài học kinh nghiệm được nêu trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng làm tốt “công việc gốc” của Đảng. Cùng với thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, tỉnh cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2022.

Đào tạo, bồi dưỡng bám sát yêu cầu thực tiễn

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nhiều giải pháp căn cơ, đột phá nhằm nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ đã được tỉnh thực hiện. Trong đó, tỉnh chú trọng đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu của công tác cán bộ, ưu tiên tập trung vào những khâu quan trọng, có tính đột phá, như: Đổi mới đánh giá cán bộ; thí điểm thi tuyển cán bộ; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; đặc biệt là đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.

Theo đó, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động rà soát, đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị để chuẩn bị tốt nguồn cán bộ tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định trong việc chọn, cử, xét duyệt hồ sơ cán bộ tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn và chỉ tiêu được giao của Ban Tổ chức Trung ương; quản lý chặt chẽ các khâu chiêu sinh, xét chọn cán bộ tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị; cử cán bộ đi đào tạo đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời gắn với quy hoạch và chuẩn hóa chức danh cán bộ.

Đặc biệt, để đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên cập nhật bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị; nhận diện những quan điểm sai trái và các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội vào chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng để thực hiện tại các đảng bộ, trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải chú trọng nghiên cứu kỹ mục đích, yêu cầu của từng chương trình để liên hệ sát với nội dung sao cho thiết thực, gắn với thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới.


Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tỉnh cũng lựa chọn giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, năng lực của Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tham gia giảng dạy các lớp trung cấp lý luận chính trị, đặc biệt là các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung. Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề thông qua cơ chế mời giảng viên, báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, địa phương; tăng cường trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn...

Gần đây nhất, trên cơ sở bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 28-CTr/TU (ngày 10/4/2023) về đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2023-2025 và Quyết định số 893-QĐ/TU (ngày 1/2/2023) quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của các cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh cũng tiến hành nhiều chương trình bồi dưỡng cụ thể cho từng đối tượng phù hợp với nhu cầu của địa phương. Cụ thể như chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới...


CBCC TP Móng Cái tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương. Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái

Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, như ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...

Tỉnh cũng gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với một trong những nội dung công tác trọng tâm trong giai đoạn mới là chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định việc xây dựng nguồn “nhân lực số” là một nhiệm vụ trọng yếu. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...

Thực chất, dân chủ trong đánh giá cán bộ

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác đánh giá cán bộ cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chú trọng, nhất là đánh giá cán bộ liên tục, xuyên suốt, đa chiều, bằng "sản phẩm" cụ thể. Đây chính là cơ sở quan trọng cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật... cán bộ được khách quan, chính xác. Đặc biệt, để việc đánh giá cán bộ được khách quan, minh bạch, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh luôn được thực hiện trên tinh thần coi trọng phẩm chất, năng lực, uy tín, tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.


Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với đồng chí Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Điển hình như TP Hạ Long, thời gian qua thành phố đã thực hiện rà soát, đánh giá năng lực cán bộ ở từng bộ phận trong hệ thống chính trị, từ đó bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cân đối, phù hợp giữa năng lực, trình độ chuyên môn gắn với sở trường, kinh nghiệm công tác; kịp thời tinh giản biên chế, đưa ra khỏi hệ thống những trường hợp năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời cán bộ làm việc “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật) và “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với thử thách), từ đó khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đảng bộ Cục Hải quan tỉnh đã vận hành “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục”. Đây được coi là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp giám sát, phản ánh chất lượng phục vụ của công chức hải quan tại các chi cục hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tạo động lực để lãnh đạo các cấp và từng công chức hải quan nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra một số đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh và Huyện ủy Hải Hà cũng đã ban hành Quy chế thí điểm đánh giá, xếp loại hằng quý đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý...


Cục Hải quan tỉnh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Ảnh Hoàng Nga

Đảng bộ Quân sự tỉnh cũng đã bám sát Quyết định số 1992-QĐ/QUTW ngày 25/5/2023 của Quân ủy Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cấp ủy viên, cán bộ chỉ huy, quản lý trong QĐND Việt Nam và Kế hoạch số 1417-KH/ĐUQS ngày 28/7/2023 của Đảng ủy Quân sự tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với cấp ủy viên, cán bộ chỉ huy, quản lý trong đảng bộ, LLVT tỉnh, ngay trong tháng 8/2023. Các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đề cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người ghi phiếu tín nhiệm. Đồng thời, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Hiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Các đồng chí được lấy phiếu đều đạt số phiếu tín nhiệm cao. Kết quả này khẳng định các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Theo đánh giá chung của Tỉnh uỷ, công tác đánh giá cán bộ trong nửa nhiệm kỳ qua đã có bước đổi mới căn bản so với giai đoạn trước. Trong đó đặc biệt coi trọng đánh giá hiệu quả công tác, gắn với việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong điều kiện, tình hình mới và giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc phân cấp đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá trong quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được chú trọng, khách quan hơn (không yêu cầu nhất thiết phải đạt 20% hoặc có tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nếu không đảm bảo yêu cầu để từng bước khắc phục bệnh thành tích, hình thức). Tỉnh đã lập các đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đánh giá cán bộ, nhất là ở những nơi có gợi ý kiểm điểm, những nơi có vấn đề nổi cộm, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có đơn thư, khiếu nại, tố cáo, có dư luận gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... Thông qua kiểm điểm, đánh giá đã chỉ ra ưu, khuyết điểm của cán bộ, giúp cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ có căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách cán bộ.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác cán bộ của Quảng Ninh thời gian qua đã có bước đột phá, đổi mới, chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng chặt chẽ, khoa học, bài bản, công khai, dân chủ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là ở cơ sở được chăm lo, xây dựng, từng bước ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt.

Hoài Anh

Tag:

File đính kèm