Sign In

Dành nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS

07:37 27/12/2023

Với chủ trương để người dân được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn dành nhiều nguồn lực phát triển KT-XH vùng khó. Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa... Đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh không ngừng được nâng lên.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định trong giai đoạn 2020-2025 phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số là khâu đột phá, cấp bách. Theo đó, những năm qua tỉnh quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại mới và được cụ thể hóa bằng những quyết sách quan trọng. Điển hình là Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường: Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, trong đó có chính sách miễn học phí, hỗ trợ ký túc xá ưu tiên thu hút học sinh, sinh viên người DTTS. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 146/QĐ-TTG (ngày 28/11/2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND tỉnh (ngày 31/8/2022) về việc hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026; ban hành quyết định quy định vùng đào tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh. Với quyết định này đã mở rộng vùng tuyển sinh đến các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể hóa các chính sách dân tộc trong công tác giáo dục - đào tạo đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không còn tình trạng học sinh bỏ học ở lứa tuổi dưới 15; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và THCS mức độ 3; 100% học sinh tốt nghiệp THCS và học sinh THPT vùng DTTS được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo, dạy nghề với giới thiệu việc làm. Tỷ lệ thanh niên, lao động qua đào tạo tại khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tăng nhanh; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 86,46%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 50%.


Khu trưng bày ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu tại Hội hoa năm 2023 thu hút rất đông người dân địa phương và du khách. Ảnh: Nguyễn Dung

Công tác y tế, nhất là chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo cũng được tỉnh quan tâm không ngừng củng cố. Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới phù hợp với tình hình thực tiễn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.

Tỉnh tập trung thực hiện Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh, trong đó tập trung cho hệ thống y tế tuyến huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS... Cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực các cơ sở y tế trong tỉnh không ngừng được củng cố, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và chất lượng dân số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT cho người DTTS tại các xã vừa ra khỏi diện ĐBKK đến hết ngày 31/12/2025 theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh... Do đó, 100% người dân ở các xã vùng DTTS khu vực trên có cơ hội thường xuyên thăm khám sức khỏe ở các cơ sở y tế. Điều này không chỉ góp phần bao phủ BHYT, mà còn nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Anh Triệu Quay Lạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Trước đây, y tế ở huyện chưa phát triển nên nhiều người bị bệnh nặng thường phải lên tỉnh chữa trị. Nhiều năm nay, máy móc, thiết bị khám chữa bệnh ở huyện được đầu tư; trên địa bàn huyện cũng thường xuyên có bác sĩ tuyến tỉnh về khám chữa bệnh cho bà con. Đồng bào DTTS còn được hỗ trợ BHYT nên cũng phần nào giảm bớt khó khăn.

Cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được đầu tư theo tiêu chí NTM, đảm bảo đồng bộ, liên thông. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được bê tông hóa đến tận thôn, bản và đường ra khu sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát phát sinh cho 441 hộ (đạt 100% kế hoạch) tổng kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa 23,96 tỷ đồng, trong đó có 66 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Chương trình có ý nghĩa lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn có được ngôi nhà mới ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hạ Long thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân.

Việc đồng bộ các chính sách vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã đưa mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực này đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020. Đến hết tháng 11/2023, mức thu nhập bình quân đầu người tăng là 70 triệu đồng (tăng 14,1%/người so với năm 2020).

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa vùng DTTS được tỉnh quan tâm chỉ đạo phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh phê duyệt 4 đề án và các kế hoạch thực hiện khôi phục, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể; nghiên cứu, đề xuất công nhận các giá trị văn hóa phi vật thể của một số DTTS trong tỉnh; thực hiện Đề án xây dựng các thiết chế thể thao, văn hóa tại các xã vùng đồng bào DTTS... Đến nay, nhiều lễ hội văn hóa của các dân tộc được tổ chức quy mô rộng lớn, như: Lễ hội Bàn Vương của người Dao, lễ hội Lồng tồng, đình Làng Dạ của người Tày (huyện Ba Chẽ); lễ hội Đồng Đinh của người Sán Dìu (huyện Tiên Yên); lễ hội Kiêng gió của người Dao (huyện Bình Liêu); Ngày hội văn hóa các dân tộc ở xã Hải Sơn (TP Móng Cái)...

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, KT-XH, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được nâng lên. Bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS được gìn giữ, phát huy, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện.

Nguyễn Huế

Tag:

File đính kèm