Sign In

Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

05:09 26/09/2024
STO - ​​​​​​​Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km, đi qua địa bàn các tỉnh: An Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư 44.700 tỷ đồng. Đây là dự án, công trình trọng điểm quốc gia, hiện các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, góp phần giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh...

Tập trung thi công đảm bảo tiến độ

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là loại dự án nhóm A, công trình giao thông, đường cấp cao tốc, theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến khoảng 58,37km. Điểm đầu tại Km131+300 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần 3, thuộc thị trấn Búng Tàu, tỉnh Hậu Giang và điểm cuối tại Km189+666,65 giao với tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường dẫn vào cảng Trần Đề (Quy hoạch) thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Dự án thành phần 4. Ảnh: QUANG BÌNH
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Dự án thành phần 4. Ảnh: QUANG BÌNH

 

Tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt của Dự án thành phần 4 là 11.961 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 1.788 tỷ đồng; chi phí xây dựng trên 8.551 tỷ đồng; chi phí thiết bị 5,52 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án trên 45 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 276 tỷ đồng và chi phí khác trên 282 tỷ đồng và chi phí dự phòng trên 1.012 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Mới đây, tại phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, về cơ bản thì công tác giải phóng mặt bằng đạt gần 100%; hiện chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chủ quản triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án; tỉnh đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 4/4 khu tái định cư. Trong năm 2023, dự án được bố trí vốn là 1.449 tỷ đồng và đã giải ngân đạt 100%; năm 2024, dự án được bố trí 2.121 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đến thượng tuần tháng 9/2024 đã giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch, phấn đấu hết niên hạn giải ngân năm 2024 đạt 100%. Sóc Trăng cam kết với Thủ tướng Chính phủ là trong năm 2024 tỉnh sẽ không trả vốn đã được bố trí.

“Khơi thông” nguồn cát phục vụ công trình cao tốc

Theo đơn vị chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án 2, nhu cầu sử dụng cát của dự án khoảng 6,6 triệu m3, phải thực hiện đắp gia tải hoàn thiện từ nay đến hết tháng 6/2025 mới đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2026, tương ứng trung bình mỗi ngày phải huy động 22.000m3 cát. Do đó, nhu cầu về cát phục vụ cho dự án là vô cùng bức thiết.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra việc khai thác cát phục vụ công trình Dự án thành phần 4. Ảnh: QUANG BÌNH
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra việc khai thác cát phục vụ công trình Dự án thành phần 4. Ảnh: QUANG BÌNH

 

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, UBND tỉnh đã giao 5 mỏ cát sông cho dự án để lập thủ tục theo cơ chế đặc thù với trữ lượng 17 triệu m3 (số liệu này khảo sát trước đây). Khi các nhà thầu được giao mỏ tiến hành khảo sát lại thì đề nghị trả lại do chất lượng, trữ lượng không đảm bảo. Từ đó, tỉnh tiến hành khảo sát lại thêm 4 khu mỏ cát mới, với tổng trữ lượng trên 7,7 triệu m3.

“Hiện nay, có 2 mỏ cát đã giao cho nhà thầu khai thác có cát; 2 mỏ còn lại đến cuối tháng 9 này sẽ đảm bảo các thủ tục khai thác. Qua đó, Sóc Trăng sẽ đảm bảo nguồn cát để phục vụ dự án. Để chủ động nguồn cát, tỉnh sẽ tiếp tục cho khảo sát tiếp 2 khu mỏ nữa, với trữ lượng trên 1,6 triệu m3 để dự phòng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu thông tin.

Được biết, để đảm bảo nguồn cát phục vụ cho dự án, hiện các đơn vị khai thác cát tại các mỏ đã được cấp phép trên sông Hậu đã và đang tăng cường các phương tiện khai thác và tàu vận chuyển cát đến dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mỏ cát MS03 trên sông Hậu thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách được UBND tỉnh cấp bản xác nhận khai thác để làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, do Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP làm chủ đầu tư khai thác theo cơ chế đặc thù để sử dụng cho gói thầu số 12. Theo báo cáo, mỏ cát có diện tích khoảng 53,9ha, trữ lượng được phép khai thác là 466.268m3, trong thời gian 7 tháng, tức là khoảng 2.695m3/ngày. Hiện nay, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP đang khai thác với sản lượng khoảng 1.200m3/ngày, đạt khoảng 40% công suất được cấp phép trong ngày. Trong tháng 9/2024, đơn vị khai thác cũng đã cam kết với tỉnh là bổ sung thêm tàu và thiết bị khai thác, bảo đảm đúng sản lượng đã được cấp phép.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm tỉnh Sóc Trăng đề nghị đơn vị khai thác mỏ cát MS03 phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường các phương tiện hút cát và tàu vận chuyển cát đến cao tốc, đồng thời, các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển phải có đăng ký, đăng kiểm và thiết bị giám sát đầy đủ, nhằm góp phần đảm bảo việc khai thác cát đúng theo trữ lượng giấy phép đã được cấp.

Thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, nhìn chung, đến thời điểm này thì các bước triển khai thực hiện Dự án thành phần 4 của tỉnh Sóc Trăng cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu. Tuy nhiên dự án còn khó khăn trong công tác cung ứng vật liệu phục vụ thi công. Các mỏ cát sông của tỉnh hiện nay có chất lượng thấp, hiệu quả khai thác không cao, trữ lượng chưa đáp ứng cho dự án, nên Sóc Trăng đang nghiên cứu sử dụng nguồn cát biển qua rửa mặn. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng không có mỏ đá, cát xây dựng và đất sét đắp lề đường, phải sử dụng các vật liệu này ngoài tỉnh, đồng thời trong quá trình thi công sẽ phát sinh các vấn đề về xử lý kỹ thuật nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng cho công trình.

Để từng bước tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh khung giờ khai thác cát biển từ 7 giờ - 17 giờ thành 5 giờ - 19 giờ hằng ngày, nhằm đảm bảo công suất khai thác, đáp ứng yêu cầu về tiến độ các dự án. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành xem xét, sớm có quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát biển Tiểu khu B1.3 thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng) để cung cấp cho Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Dự án cầu Đại Ngãi 2 trong tháng 9/2024. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sử dụng rộng rãi cát biển đối với các vùng nhiễm mặn, không phải thí điểm mở rộng và sử dụng cát biển qua rửa mặn đối với các vùng nước lợ để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị các nhà thầu thi công dự án tập trung thi công hoàn thành đường công vụ; phải đồng loạt thi công các cầu còn lại trên tuyến trong tháng 9/2024. Bổ sung máy móc thiết bị, mũi thi công, thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại khối lượng bị chậm từ nay đến cuối năm. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân công, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ phần đường ngay sau khi có cát về công trình.

QUANG BÌNH

Tag:

File đính kèm