Trước hết, xin được nói rõ “núi sông” trong đầu đề bài báo này không chỉ là khái niệm chung để chỉ “dải non sông gấm vóc” của đất nước, mà xác định cụ thể là những ngọn núi, dòng sông ở một góc trời Tây Nam Tổ quốc. Đó là những ngọn núi Bà Đen, Bà Rá, những dòng sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Bé thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Như thế việc “giành lại núi sông” ở đây là kết quả thắng lợi của hai trận đánh giải phóng núi Bà Đen và giải phóng tỉnh Phước Long khởi đầu Chiến dịch mùa xuân 1975, tiến đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975
Chiến công giải phóng núi Bà Đen là kết quả cuối cùng của 13 năm kiên trì bám trụ của các “dũng sĩ Núi” ở đơn vị Liên đội 7 thuộc Phòng Quân báo - Bộ Tham mưu Quân Giải phóng miền Nam (gọi tắt là Miền) cùng với quân dân Tây Ninh và Tiểu đoàn Trinh sát 47 của Miền quyết tâm xoá bỏ “mắt thần” - trung tâm tiếp vận - truyền tin khống chế bầu trời miền Đông Nam bộ, kể cả “thủ đô Sài Gòn” của quân địch từ đầu năm 1962 đến đầu năm 1975. Còn chiến công giải phóng đường 14 - Phước Long là kết quả “khổ luyện” ròng rã suốt 3 tháng liền ở khu vực Đồng Pan (nay là Tân Châu), phía Bắc núi Bà Đen, của Quân đoàn 4, đơn vị lớn nhất của lực lượng vũ trang miền Nam vừa thành lập tại Đồng Rùm, trong chiến khu Dương Minh Châu (nay là vùng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh) ngày 20.7.1974. Điều đặc biệt là hai trận đánh này diễn ra khá dằng dai, từ hơn nửa tháng đến tròn một tháng, kết thúc gần như cùng một lúc, ngày 6 và ngày 7.1.1975. Đặc biệt hơn nữa, thời gian diễn ra hai trận đánh cũng là thời gian Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về chiến lược giải phóng miền Nam, nên đã góp phần tạo ra tình hình mới, thời cơ mới, quyết tâm mới của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trước tháng 5.1975”.
Núi Bà Đen là điểm cao nhất của toàn vùng Nam bộ, từ xa xưa vốn đã là điểm tựa tâm linh của đồng bào các dân tộc miền Nam bởi những truyền thuyết, huyền thoại về sự linh thiêng của Bà Đen - Linh Sơn Thánh mẫu. Trong thời kỳ chiến tranh hiện đại của thế kỷ XX, núi Bà Đen với vị trí chiến lược của một cao điểm gần một ngàn mét so với mực nước biển, ngọn núi trở thành vị trí thiết yếu cần phải chiếm được của các lực lượng đối đầu nhau. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng như sau Hiệp định Genève 1954, giới cầm quyền miền Nam, các lực lượng giáo phái thân Pháp, thân Mỹ cũng như lực lượng yêu nước, cách mạng, kháng chiến miền Nam đều mong muốn chiếm được núi để làm điểm tựa, làm căn cứ chiến đấu. Từ năm 1962, sau khi Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được tái lập, dời từ vùng rừng rậm Vĩnh Cửu, đầu nguồn sông Đồng Nai về chiến khu Bắc Tây Ninh, ông Sáu Nam (tức Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Tư lệnh Miền) đã chỉ đạo Phòng Quân báo Miền bố trí một Tổ quân báo mang tên A14 đóng tại núi Bà Đen. Rồi từ đó theo diễn biến tình hình chiến cuộc, đơn vị “nở nồi” từ một tiểu đội (A14) phát triển thành một đại đội (C14). Năm 1967, sau khi quân viễn chinh Mỹ cùng với quân các nước chư hầu đổ vào khắp miền Nam, chúng đã xây dựng một căn cứ lớn, cấp sư đoàn tại Trảng Lớn (Châu Thành) và một trung tâm tiếp vận - truyền tin (TV-TT) có tầm vóc chiến lược trên đỉnh núi Bà Đen với các thiết bị thông tin hiện đại (ra-đa) có tầm phủ sóng bao quát bầu trời Đông Nam bộ. Tình hình đó đòi hỏi ngành tình báo phải có một lực lượng tương ứng để “giám sát” con “mắt thần” nguy hiểm của địch. Năm 1969, đơn vị C14 của quân báo Miền được bổ sung lực lượng và đổi tên thành Liên đội 7 và vẫn giữ nguyên nhiệm vụ, trú đóng tại khu vực “yên ngựa” nằm giữa quần thể núi Bà - núi Phụng - núi Heo phía Tây núi Bà Đen. Ròng rã 13 năm (1962-1975) cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 sống trong các hang đá ở lưng chừng núi “cơm vắt ngủ hang” trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào vùng ven chân núi ở các địa phương thuộc huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay), huyện Dương Minh Châu và thị xã Tây Ninh. Hằng ngày, đồng bào lên núi làm rẫy, chăn thả bò, khai thác đá ong, đá mả… với các dụng cụ “gàu-mên, mo cau, ruột tượng” được nguỵ trang kỹ để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho “mấy anh giải phóng trên núi”. Trong suốt quãng đời 13 năm “hẩm hút cháo rau, thằn lằn, chuối núi”, các dũng sĩ Liên đội 7 anh hùng đã đánh giặc trên 30 trận, tiêu diệt và làm bị thương gần 2.000 tên địch, trong đó 368 lính Mỹ, bắn rơi 8 phi cơ trực thăng, gần 60 xe quân sự cùng nhiều quân trang, quân dụng khác…
Về phía đối phương, quân Mỹ và quân Sài Gòn biết rõ có sự hiện diện của bộ đội cách mạng, cả chủ lực và địa phương tỉnh, huyện (chúng gọi chung là Việt Cộng) trong các hang động trên sườn núi nên đã bố phòng, bảo vệ rất cẩn mật. Tại trung tâm TV-TT trên đỉnh núi có khoảng 2 đại đội lính Mỹ, dưới chân núi Lữ đoàn 196 lính Mỹ trú đóng khắp nơi, phi pháo sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào từ các sân bay Trảng Lớn, Tây Ninh, các trận địa pháo chung quanh núi trong bán kính chưa đầy 10 km… Sau Hiệp định Paris 1973, trung tâm TV-TT đỉnh núi được Mỹ bàn giao trọn vẹn cho quân đội Sài Gòn với đầy đủ vũ khí, khí tài. Khi trận chiến giải phóng núi Bà Đen diễn ra, đơn vị địch trú đóng trên đỉnh núi có khoảng 150 tên.
Theo tài liệu lịch sử Tiểu đoàn 47 Trinh sát của Bộ Tham mưu Quân khu 7, trận đánh cuối cùng giải phóng núi Bà Đen diễn ra suốt một tháng ròng, từ đêm 6 rạng ngày 7.12.1974 đến ngày 7.1.1975, là trận đánh phối hợp giữa Tiểu đoàn 47 trinh sát và Liên đội 7 trinh sát thuộc Phòng Quân báo Miền, quân số tác chiến 2 đơn vị này tương đương 4 đại đội. Đồng thời, Phòng Quân báo Miền tăng cường thêm một trung đội Thông tin hữu tuyến, một trung đội Trinh sát kỹ thuật và một trạm phẫu thuật dã chiến; Bộ Tham mưu Miền tăng cường thêm một phân đội Đặc công, một đại đội Phòng không 12 ly 7 và các phân đội tên lửa cá nhân.
Trước trận đánh, đơn vị phối hợp đã tổ chức nhiều cuộc trinh sát bí mật để nắm chắc tình hình trận địa. Qua đó, ta nắm được địch bố trí phòng thủ cứ điểm đỉnh núi tới 5 lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng len lỏi qua các gộp đá, lớp cuối cùng là hàng rào chống B40 rất cao. Trong các lớp hàng rào, địch cài đặt rất nhiều mìn đủ loại, hàng rào trong cùng cách các lô-cốt phòng thủ chiến đấu khoảng 15-30m. Các lô-cốt này có lợi thế là nằm trên đỉnh núi, cao hơn các lớp hàng rào bao quanh trên sườn núi. Do vậy, cuộc tập kích từ bên ngoài không gian trống trải vào đồn địch kiên cố, kín đáo, cũng là đánh từ dưới thấp lên cao rất khó khăn, nguy hiểm.
Liên đội 7 truy kích địch trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975
Ngay trong đêm đầu trận đánh, một sự cố xảy ra đã làm một quả mìn phát nổ khi quân ta tiếp cận đồn địch còn cách một lớp hàng rào làm mất yếu tố bất ngờ. Địch chiếu đèn pha sáng loá và liên tục nổ súng, ném lựu đạn xuống hàng rào. Các mũi tiến công của ta đồng loạt khai hoả. Xạ thủ hoả lực B40, B41 và súng đại liên bắn liên hồi, ghìm đầu địch cho bộ đội xung phong. Địch tận dụng lợi thế trên cao, công sự kiến cố để bắn và ném lựu đạn xối xả vào quân ta. Mặc dù vậy, quân ta vẫn dũng mãnh tiến công, các tổ chiến đấu yểm trợ nhau tiến lên. Trong khi đó, pháo binh địch từ các hướng bắn cấp tập vào trận địa quân ta bên ngoài đồn địch khiến quân ta tổn thất không ít.
Trời sáng, các mũi tiến công đưa tử sĩ, tuyến sau và duy trì thế bao vây đồn địch dài ngày. Đối phương huy động không quân gồm nhiều máy bay phản lực dội bom, trực thăng bắn súng liên hồi vào đội hình quân ta. Ta lợi dụng các hang, hốc đá để trú ẩn nhưng vẫn khó tránh khỏi thương vong nhiều vì khối lượng dày đặc bom, pháo của kẻ địch.
Phía ta chuyển chiến thuật từ tiến công sang vây ép, quân địch cố thủ trong các công sự trên đỉnh núi trông đợi phi pháo và quân chi viện đến phá vòng vây của quân ta. Tuy nhiên đơn vị địch tăng viện là Liên đoàn Biệt kích 81 của quân đội Sài Gòn chẳng những đã không thể tiếp cận để phá thế bao vây đỉnh núi của quân ta mà còn bị các đơn vị tăng cường của quân ta vây hãm ở lưng chùng núi. Chúng đành phải len lỏi trốn sâu trong các hốc đá để tránh bị tiêu diệt và “chịu đói” chờ được giải vây. Biệt kích 81 không làm được gì, đối phương ở Sài Gòn điều Sư đoàn Dù đến ứng cứu. Sau những đợt dội bom và bắn pháo dữ dội, hàng đoàn trực thăng đưa lính dù và “hàng cứu trợ” cho bọn lính trên núi được đưa lên núi Bà Đen, nhưng chúng đã không thể đáp xuống trận địa vì lưới lửa phòng không bằng tất cả các loại súng của quân ta bắn lên kín cả bầu trời. Sau nhiều ngày như vậy, Sư đoàn Dù thiện chiến của quân đội Sài Gòn phải bỏ cuộc không thể cứu được bọn lính trú phòng trên đỉnh núi cũng như tàn quân Biệt kích 81 đang đói lả trong các hốc đá trên sườn núi.
Những ngày cuối tháng 12.1974 khi quân Sài Gòn không còn ý chí cứu vớt đơn vị trú đóng đỉnh núi Bà Đen, các chiến sĩ giải phóng đã đột nhập vào căn cứ trung tâm TV-TT phá huỷ trạm phát điện, đánh sập các công sự, cơ sở vật chất của căn cứ, trong khi bọn lính trú phòng ở đây đã hoàn toàn kiệt quệ vì đói ăn, khát nước và thương tích không được cứu chữa sau nhiều ngày bị vây hãm, một số tên còn sức lực đã vất súng, những khẩu súng không còn đạn để tìm cách tháo chạy. Ngày 7.1.1975, lực lượng cách mạng miền Nam đã xoá sổ đơn vị truyền tin chiến lược của quân đội Sài Gòn trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. Cùng ngày này, tỉnh Phước Long cũng được giải phóng hoàn toàn.
Nguyễn Tấn Hùng
(Còn tiếp)