Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận tổ.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận tại tổ. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang tham dự buổi thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã phát biểu cho biết, việc sửa đổi dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này nằm trong chiến lược cải cách thủ tục thuế, pháp luật về thuế. Trước đó, đã nhiều lần có các văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo một lộ trình vừa bảo đảm công cụ quản lý của Nhà nước vừa bảo đảm nguồn thu vừa là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển; bảo đảm chống thất thoát nguồn thu. Đồng thời, bảo đảm công bằng và thỏa đáng đối với các đối tượng nộp thuế, kể cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đối tượng là người nước ngoài, tổ chức thương mại trong nước hay nước ngoài... vừa bảo đảm đúng thông lệ quốc tế để vừa khuyến khích được đầu tư nhưng cũng tránh thất thoát, tránh gian lận, trục lợi.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tiếp tục gồng mình để duy trì hoạt động và tích lũy nguồn lực để phát triển, điều quan trọng là cần việc giữ vững các cam kết, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư tại Việt Nam, tránh gây xáo trộn, tiềm ẩn những rủi ro sẽ có thể ảnh hưởng tới niềm tin và các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp lâu năm tại Việt Nam. Do vậy, việc sửa đổi các luật này là việc hết sức quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế. Các đại biểu cũng đã tham gia vào một số nội dung cụ thể như về đối tượng chịu thuế; về thuế suất và lộ trình đánh thuế đối với một số danh mục sản phẩm; vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; đề nghị xem xét, rà soát, cân nhắc khi giao Chính phủ quy định việc sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế trong trường hợp cần thiết…
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận cụ thể về các vấn đề như: việc sửa đổi, bổ sung khái niệm giám sát quy định tại Luật hiện hành; việc sửa đổi quy định thẩm quyền giám sát của Quốc hội để xác định rõ phạm vi, đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; việc bổ sung một hình thức, một hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc bổ sung các quy định về phối hợp giám sát các hiệp định, thỏa thuận, dự án quốc tế; việc bổ sung các quy định về giám sát chung của các cơ quan dân cử; việc tổ chức hoạt động giám sát từ cơ sở, giám sát ngay trong quá trình thực hiện, kết hợp thường xuyên và đột xuất…
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia; về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; về thủ tục đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy; về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng TCVN; về xây dựng, thẩm định và ban hành QCVN; về việc xây dựng, áp dụng TCCS; về xây dựng, thẩm định và ban hành QCĐP...