“Tự hào truyền thống, viết tiếp chiến công, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” không đơn thuần là hoạt động giáo dục truyền thống, mà còn là lời khẳng định như chưa bao giờ có sự ngăn cách, đứt quãng giữa quá khứ anh hùng và hiện tại vinh quang, giữa lớp cha trước, lớp con sau... để trao truyền niềm tin, lan tỏa ý chí, chung đúc sức mạnh, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), tối 19/12 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức Giao lưu, tọa đàm với chủ đề “Tự hào truyền thống, viết tiếp chiến công, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và trao giải các cuộc thi, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội trong tỉnh. Xoay quanh chia sẻ của đại biểu khách mời mang tính đại diện các thế hệ, xen lẫn tiết mục văn nghệ đặc sắc, buổi tọa đàm đã trở thành điểm nhấn, lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện truyền cảm hứng.
Đại biểu khách mời tham gia buổi giao lưu.
Đó là câu chuyện của cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Tiến Quynh, nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh - người đã từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Là cảm nhận sâu sắc, nhưng rất gần gũi của Thượng tá Lê Văn Khanh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoằng Hóa về sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn với quá trình công tác và trưởng thành của bản thân. Là quyết tâm của thế hệ trẻ quân đội đang ngày đêm nỗ lực rèn luyện, để phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của Thượng úy Nguyễn Thái Lâm, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 40, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Quynh chia sẻ kỷ niệm về thời trận mạc đã qua.
Trong buổi tọa đàm, những chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày khói lửa ác liệt năm xưa của Đại tá Nguyễn Tiến Quynh đã thu hút sự chú ý của đại biểu tham gia ngay từ đầu chương trình. Đó là những ngày dài trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) những năm từ 1987-1993. Khi ấy, với vai trò là Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 818, Sư đoàn 314, ông vẫn thường đi kiểm tra mặt trận, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ ở các tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu. Chiến trường khốc liệt, mỗi lần ông rời khỏi căn cứ là một lần pháo giặc bắn tới tấp. Có lần bị sức ép của đạn hất văng lên sườn đồi, nhưng chẳng bao giờ ông xa rời cán bộ, chiến sĩ của mình. Tỉnh dậy ông vẫn bước tiếp, đi đến từng tiểu đoàn kiểm tra tình hình, động viên những người lính quyết tâm chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ tham gia buổi tọa đàm.
“Nhiều lần bị pháo giặc bắn, thành ra mình được anh em gọi là ông thủ trưởng sát pháo. Hòa bình lập lại, gặp lại nhiều đồng đội trên mặt trận Vị Xuyên năm ấy, nhiều anh em vẫn quen gọi tôi như thế”, Đại tá Nguyễn Tiến Quynh hóm hỉnh.
Câu chuyện ấy là một phần truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Mà ở đó có sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm bằng lời của cha anh đi trước. Những người “thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc, hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”... |
Sinh năm 1956 ở xã Liên Lộc (Hậu Lộc), 18 tuổi ông Quynh nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu trong các trận đánh giải phóng tỉnh Bình Định, rồi đập tan phòng tuyến Phan Rang, mở đường cho các cánh quân của bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đất nước thống nhất, đơn vị ông vẫn phải ở lại bình ổn tình hình ở miền Nam rồi được đơn vị cử đi học nâng cao trình độ. Cho đến năm 1976 ông mới được trở lại miền Bắc làm công tác chỉ huy huấn luyện. Sau đó, ông lại lên đường, trực tiếp tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc từ những ngày đầu trên mặt trận Lạng Sơn (tháng 2/1979). Khi mặt trận này tạm lắng, đơn vị của ông tiếp tục được lệnh hành quân chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên khốc liệt cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Đi qua những trận chiến ấy đến giờ điều ông Quynh cảm thấy ý nghĩa nhất là ngày cầm súng, cùng đồng đội “sống bám đá đánh giặc; chết hóa đá bất tử”. Với ông, đó là những ngày gian khổ nhưng huy hoàng và tươi đẹp của cuộc đời.
Nhiều lần bị pháo giặc bắn, thành ra mình được anh em gọi là ông thủ trưởng sát pháo. Hòa bình lập lại, gặp lại nhiều đồng đội trên mặt trận Vị Xuyên năm ấy, nhiều anh em vẫn quen gọi tôi như thế.
Đại tá Nguyễn Tiến Quynh
Câu chuyện ấy là một phần truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Mà ở đó có sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm bằng lời của cha anh đi trước. Những người “thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc, hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”... Và truyền thống vẻ vang ấy đang được các thế hệ tiếp bước ngày đêm ra sức đóng góp sức lực, trí tuệ để xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong chia sẻ của mình, Thượng tá Lê Văn Khanh, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoằng Hóa đã phần nào nói lên sức mạnh ấy. Đó là sự chính quy trong cả tác phong quân nhân và việc thực hiện nền nếp, kỷ luật; là sự phát triển và tinh gọn về cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị quân đội; là tinh thần luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, như tinh thần của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”.
Sức lớn mạnh, trưởng thành ấy còn ở sự phát triển vượt bậc về trình độ của bộ đội và các loại vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trong đó, có nhiều loại vũ khí, phương tiên tối tân hàng đầu thế giới như máy bay Su30-MK2, tên lửa phòng không S-300, S-57, sự phát triển của Lữ đoàn tàu ngầm 198 và các biên đội tàu hộ vệ, tàu tên lửa, tàu phóng lôi...
Chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Thái Lâm, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 40, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong buổi tọa đàm là lời quyết tâm hành động của thế hệ trẻ trong quân đội. Thế hệ trẻ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh đang ra sức học tập, rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức và kỷ luật quân đội, về bản lĩnh chính trị và tinh thần kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng để nỗ lực phấn đấu trong huấn luyện, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Đó là cách để xứng đáng hơn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Các chiến sĩ tham gia buổi tọa đàm.
Với nhiều câu chuyện có thật, giàu cảm xúc, buổi tọa đàm với chủ đề: “Tự hào truyền thống, viết tiếp chiến công, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực, sáng tạo, trao truyền cảm hứng, niềm tin, lòng quyết tâm xây dựng các đơn vị quân đội trong tỉnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó còn là lời khẳng định như chưa bao giờ có sự ngăn cách, đứt quãng giữa quá khứ anh hùng và hiện tại vinh quang, giữa lớp cha trước, lớp con sau... viết tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.