Ngày 1/9/1930, tại thôn Cự Đà (xã Hoằng Minh cũ, nay là xã Hoằng Đức), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Hoằng Hóa chính thức được thành lập, gọi là Chi bộ Cự Đà, tiền thân của Đảng bộ huyện Hoằng Hóa ngày nay. 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân huyện Hoằng Hóa đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Đức tìm hiểu về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa tại làng Cự Đà (nay là thôn Cự Đà). Ảnh: Việt Hương
Tự hào truyền thống anh hùng
Từ TP Thanh Hóa đi ô tô chỉ hơn mươi phút, chúng tôi đã có mặt ở thôn Cự Đà. Nếu là người sinh ra, lớn lên ở Hoằng Hóa, cái địa danh chỉ cần nhắc đến thôi đã thấy trào dâng xúc cảm tự hào bởi ở nơi đó diễn ra sự kiện đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào yêu nước, cách mạng huyện nhà.
Đi qua cánh cổng làng Cự Đà, bức tranh làng quê kiểu mẫu hiện lên bình yên với cây đa - giếng nước - sân đình. Trong không gian ấy, nhà bia tưởng niệm, ghi danh nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hoằng Hóa được người dân chăm sóc, giữ gìn. Với chất giọng rộn ràng của người cán bộ tâm huyết, bà Lê Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Cự Đà nhiệt tình kể chuyện và dẫn chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của thôn Cự Đà nằm cách đó không xa. Trong ngôi nhà gỗ nhỏ, đơn sơ, mộc mạc ấy 94 năm về trước, những người cộng sản ưu tú đã tụ họp về đây, đêm ngày vận động quần chúng, “thổi” một luồng ánh sáng mới vào phong trào cách mạng Cự Đà nói riêng và Hoằng Hóa nói chung.
Ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp cả nước.
Tại huyện Hoằng Hóa, trải qua quá trình chuẩn bị công phu, bền bỉ về mọi mặt, ngày 1/9/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Hoằng Hóa chính thức được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn. Chi bộ gồm 3 đảng viên: Lê Viết Phồn, Trương Khắc Cần, Trương Khắc Khoan; đồng chí Lê Viết Phồn được cử làm bí thư. Đây là chi bộ thứ 4 trong số 5 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập sớm tại tỉnh Thanh Hóa. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước trên địa bàn huyện đã có một đường lối rõ ràng, cách mạng Hoằng Hóa đã có tổ chức, có tôn chỉ, mục đích soi đường để hoạt động. Sự kiện lịch sử ấy tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước lâu đời, tinh thần cách mạng quật cường, không sợ hy sinh gian khổ của Nhân dân Hoằng Hóa.
Ngay sau khi chi bộ được thành lập, đồng chí Lê Hữu Lập đã mở lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên. Các nội dung về đường lối cách mạng, các hình thức đấu tranh, cách hoạt động bí mật, thành lập các tổ chức cách mạng... được đồng chí truyền đạt đến các đảng viên.
Cuối tháng 9/1930, đồng chí Lê Hữu Lập và đồng chí Trương Khắc Khoan lên đường sang Thái Lan để báo cáo tình hình và nhận tài liệu. Nhưng khi tới trạm Đông - Hen (Lào) bị địch theo dõi, truy lùng và khám xét gắt gao, đồng chí Lê Hữu Lập vượt rừng sang được Thái Lan, đồng chí Trương Khắc Khoan phải quay về nước. Tháng 10/1930, Chi bộ Cự Đà tiếp tục tổ chức chuyến đi thứ 2 sang Thái Lan nhưng mọi việc đang xúc tiến khẩn trương thì bọn thống trị đã phát hiện ra Chi bộ Cự Đà. Chúng liền huy động lính tuần sai và bắt ép một số tuần phu đến bao vây thôn Cự Đà và thôn Thanh Ngoạn để lùng sục, bắt bớ, khám xét và khủng bố phong trào cách mạng. Cả ba đảng viên bị truy nã gay gắt và đã bị bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa, đồng chí Lê Viết Phồn bị đày đi nhà lao Lao Bảo.
Chi bộ Cự Đà ra đời chưa được bao lâu đã bị kẻ thù đánh phá, khủng bố, song những hạt giống cách mạng vô sản, tư tưởng tiến bộ của Đảng được gieo mầm tại đây vẫn được quần chúng Nhân dân, những người con yêu nước của huyện Hoằng Hóa duy trì có hiệu quả. Đến tháng 6/1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng Hoằng Hóa được tái lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, Nhân dân Hoằng Hóa đã làm nên sự kiện 24/7/1945 - khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thanh Hóa.
Phát huy truyền thống cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hoằng Hóa là hậu phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho các chiến trường, cùng cả nước thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến. Trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp và triển khai tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy luật vận động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Xây dựng quê hương giàu đẹp
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, có thể nói truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang cùng những giá trị vật chất, tinh thần cao quý kết tinh trên mảnh đất khoa bảng đã trở thành nền tảng quan trọng đưa huyện Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ trong hành trình đổi mới và hội nhập hôm nay.
Từ một huyện thuần nông, đến nay, Hoằng Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc ở hầu hết các lĩnh vực, bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày. Kinh tế tăng trưởng khá, năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 12,2%, quy mô kinh tế xếp thứ 4 toàn tỉnh và đứng đầu cấp huyện. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66,2 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 toàn tỉnh. Một trong những thành công lớn của huyện trong những năm qua là kết quả XDNTM. Sau khi huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019, toàn huyện tiếp tục bắt tay ngay vào “hành trình” NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong bối cảnh còn vô vàn khó khăn, song với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, đến nay toàn huyện đã có 4 xã NTM kiểu mẫu, 9 xã NTM nâng cao, 95 thôn, phố kiểu mẫu. Số lượng thôn, phố kiểu mẫu của huyện Hoằng Hóa đứng thứ nhất toàn tỉnh. Toàn huyện có 36 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (đứng thứ nhất toàn tỉnh), trong đó có 1 sản phẩm duy nhất trong tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có chuyển biến tích cực. Từ một chi bộ Đảng ban đầu thành lập cách đây 94 năm tại thôn Cự Đà với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã có hơn 12.000 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hoằng Hóa trở thành thị xã, đô thị loại IV, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp - thủy sản; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2045, Hoằng Hóa là đô thị sinh thái, văn hóa, hiện đại, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa và các đô thị lân cận về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; người dân có mức sống cao...
Dịp kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Hoằng Hóa, nhìn lại “mốc son” lịch sử của vùng đất từ xưa đã được coi là “địa linh, nhân kiệt” càng thêm tự hào về quê hương Hoằng Hóa anh hùng. Cùng ôn lại chặng đường gian khổ mà hào hùng chính là cách để nhắc nhở thế hệ trẻ về ý chí vươn lên mạnh mẽ của vùng đất, con người nơi đây, để mỗi người nhìn sâu vào bề dày lịch sử, văn hóa, đoàn kết tạo thành sức mạnh “nội sinh”, để đưa huyện Hoằng Hóa vững bước trong tương lai, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường đổi mới.
Việt Hương