Sign In

A Lưới: Bí thư Huyện uỷ dự Khai mạc trưng bày “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới”

22:18 10/10/2023
Sáng ngày 10/10, tại Trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, khai mạc trưng bày “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới”.

Đến dự khai mạc về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Thiên Bình – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; đồng chí Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế; về phía lãnh đạo huyện A Lưới tham dự có đồng chí Huỳnh Công Quảng – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Hồ Đàm Giang – Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Huyện uỷ; chủ tịch UBND huyện.

Thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND, ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đó, hàng trăm hình ảnh, hiện vật liên quan đến chuyên đề “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới” vừa được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới trưng bày giới thiệu đến công chúng các hình ảnh, hiện vật, tập trung vào ba chủ đề chính: Thiên nhiên và con người huyện miền núi A Lưới; Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, A Lưới có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào đi qua địa bàn huyện 80,683 km, với 02 cửa khẩu: Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng. Toàn huyện có 17 xã, 01 thị trấn; diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, với tổng số hộ dân là 14.133 hộ/53.828 khẩu, có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 05 dân tộc chính: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy và dân tộc Kinh (dân tộc thiểu số chiếm trên 77%). Là một huyện giàu truyền thống yêu nước và cách mạng của tỉnh. Nơi đây lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu; cũng là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số như: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy… tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu về phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của các đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ được gìn giữ và phát huy.

Thông qua trưng bày chuyên đề lần này, nhằm phát huy, gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển của vùng đất, con người A Lưới nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Từ đó tăng cường sự hiểu biết, ý thức tôn trọng, giữ gìn về vị trí, vai trò, ý nghĩa giá trị tinh hoa của các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong tiến trình phát triển xã hội.

Dịp này, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới tổ chức bàn giao các trang thiết bị văn hóa như sách, giá sách, nhạc cụ, đạo cụ… phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể cho một số xã trên địa bàn huyện. Chương trình hướng đến góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho các đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch lịch sử, theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 08/10/2021 của Huyện uỷ về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2023.

Sáng cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện tổ chức lớp tập huấn du lịch “Quảng bá Di sản Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch” tại huyện A Lưới.

Thanh Định

Tag:

File đính kèm