Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh trong Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam dâng hương tại làng sen quê Bác tỉnh Nghệ An, ngày 16/4/2018. Ảnh:TRẦN ĐIỀN
Nhân sự kiện trọng đại này, mời bạn đọc cùng tôi điểm lại một số góc nhìn về tình cảm của Bác Hồ kính yêu dành cho giai cấp công nhân và Nhân dân lao động lúc sinh thời.
Bác luôn xác định vai trò công dân của mình đối với đất nước
Trả lời các nhà báo tháng Giêng năm 1946 sau khi Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa bầu Bác giữ chức Chủ tịch nước, Bác biểu lộ tâm sự rằng: “Tôi tuyệt nhiên không muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, có non xanh, nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi…”.
Giai cấp công nhân là môi trường đưa Bác đến với con đường cách mạng giải phóng dân tộc
Bác Hồ làm công nhân nhưng không phải chỉ để kiếm sống. Nhà sử học Pháp Sắc-Lơ-Phuốc-ni-ô đã nhận xét: “Người thanh niên cách mạng ấy (Nguyễn Tất Thành) đến với trường kỹ nghệ không phải để tập sự một nghề mà chủ yếu để tiếp xúc với phương Tây và người tiến hành kỹ thuật đó - giai cấp công nhân.
Nghề làm công nhân của Bác là nghề công nhân tự do (nấu bếp, sửa in ảnh, họa đồ gốm, xúc tuyết…), nhưng Bác làm công nhân, đến với công nhân là để học tập, rèn luyện tác phong công nhân, tham dự đầy đủ các hoạt động công đoàn, đóng nguyệt liễm và làm tròn nhiệm vụ đoàn viên được giao. Quan trọng hơn là Bác kết hợp với nghiên cứu, đọc sách của Lê-Nin, Các Mác, trao đổi, học hỏi các nhà hoạt động Pháp để tìm hiểu và khám phá sức mạnh kỳ diệu của giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tìm ra cách tổ chức, vận động giai cấp công nhân tham gia cách mạng, đấu tranh tự giải phóng mình và giải phóng dân tộc. Trong thời gian làm công nhân, tham gia và hoạt động công đoàn ở Anh, Pháp là thực tế rất quan trọng để Bác viết bài “Tổ chức Công hội” trong tác phẩm “Đường Kách mệnh.”
Bác là người cộng sản vĩ đại
Ngày 18/12/1920, khi giơ tay biểu quyết tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã là đảng viên Cộng sản Pháp và cũng là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Việc chuyển từ người công dân, người công nhân yêu nước Nguyễn Tất Thành thành người đảng viên Cộng sản Nguyễn Ái Quốc là một bước ngoặc quan trọng trong quá trình vạn dặm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Sứ mệnh của các Đảng Cộng sản ở Tây Âu thời đó là giải phóng giai cấp, tức lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa không có người bóc lột người, tức chế độ cộng sản chủ nghĩa, bước đầu là chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng đối với đảng viên cộng sản Nguyễn Ái Quốc thì còn một sứ mệnh nữa nặng nề hơn là đấu tranh giải phóng dân tộc mình thoát khỏi sự thống trị và bóc lột của chế độ thực dân Pháp mà trong nhận thức và hành động của mình, Nguyễn Ái Quốc coi là sứ mệnh hàng đầu đã được thể hiện trong việc kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái tả lẫn phái hữu, chúng tôi kêu gọi các đồng chí hãy cứu chúng tôi…”. “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì các đồng chí làm cái cách mạng gì…?”
Lập trường đó của Nguyễn Ái Quốc tiếp tục được nêu lên tại các diễn đàn quốc tế, trên các bài báo, quyển sách và được thể hiện trong Chính cương - Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ khởi thảo và thông qua tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930”.
Cách đây 67 năm, ngày 30/5/1957, khi đến thăm công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, thông cảm với khó khăn, thiếu thốn của công nhân nhà máy trong những ngày đầu khôi phục kinh tế, Bác tâm sự: “Đời sống chúng ta như một con thuyền, nước dâng thì thuyền lên. Sản xuất, kinh tế chúng ta phát triển thì đời sống mọi người mới phát triển…”.
Cũng cách đây đúng 67 năm, ngày 05/11/1957, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 108-SL ban hành Luật Công đoàn, được Quốc hội khóa I thông qua ngày 14/9/1957. Luật Công đoàn đã xác định vai trò của giai cấp công nhân và quyền công đoàn trong giai đoạn mới của cách mạng, đây được xem là một trong số rất ít bộ Luật Công đoàn đầu tiên trên thế giới(2).
Bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác Hồ
Cách đây 55 năm, Báo Anh Dũng, cơ quan Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh số Xuân Kỷ Dậu 1969, đăng bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ gởi đồng bào, chiến sĩ cả nước trước lúc đi xa. Trong bài thơ, Bác Hồ kính yêu lạc quan viết:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập - vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn
(Xuân Kỷ Dậu 1969)
Là vị lãnh tụ của một nước, vậy mà ngay từ năm đầu được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, khi nói về mình, Bác chỉ khiêm tốn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, có non xanh, nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta “giản dị mà vĩ đại”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác - Yêu Bác, để lòng ta trong sáng hơn!
TRẦN ĐIỀN
-------------------------------------------
(1) Trích trong bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu.
(2) Biên khảo theo “Tình cảm Bác Hồ với công nhân lao động và công đoàn” - NXB Lao động 2010.
Và tư liệu riêng của người viết.