Sign In

Để tránh tình trạng cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, cần hoàn thiện văn bản pháp lý

11:17 25/05/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Khi hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh, sẽ khắc phục được tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ đang xảy ta trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay.

 

Sáng ngày 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

 

Phát biểu thảo luận, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh hoàn toàn nhất trí với nội dung Báo cáo số 616, ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43, ngày 11/01/2022 của Quốc hội, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

Đại biểu Trần Quốc Tuấn nhận định: Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, dịch Covid-19 từng bước kiểm soát và kết thúc, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại hội trường sáng ngày 25/5.

 

Trong 02 năm thực hiện, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý, góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 05 quan điểm, 03 mục tiêu của Nghị quyết số 43, phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới và góp phần hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội khác của đất nước,

Mặc dù triển khai quyết liệt, nhưng một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 07 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, một số chính sách lớn được ưu tiên dành nguồn lực lớn nhưng kết quả đạt được rất thấp như: (1) Chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,05% trên tổng quy mô nguồn lực 40.000 tỷ đồng; (2) Hay chính sách đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm chỉ đạt 37% kế hoạch; (3) Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 55,7% kế hoạch;... Đây là những chính sách quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để triển khai phù hợp, khả thi và đạt hiệu quả cao khi kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết này

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, nêu những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong 04 nguyên nhân chủ quan nêu trong báo cáo, và được trích lại trong Dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm 02 nguyên nhân, đó là: (1) Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục. (2) Hay việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Theo Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đây là 02 nguyên nhân chính và là rào cản lớn nhất hiện nay dẫn đến tình trạng làm trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết số 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, có 01 hiện tượng đáng lo ngại là từ kỳ họp thức Năm đến kỳ họp Quốc hội thứ Bảy, cả 02 nguyên nhân hạn chế này đều xuất hiện trong hầu hết các báo cáo trình tại kỳ họp. Điển hình là chỉ riêng Nghị quyết số 43, tại phụ lục số 5 kèm theo Báo cáo của Đoàn giám sát nêu có đến 70 nội dung của 27 địa phương, bộ ngành kiến nghị về hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là trong Báo cáo số 135/BC-CP, ngày 10/4/2024 của Chính phủ trình Quốc hội, báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả có đến 545 nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khó thực hiện, trong đó có 69 quy  định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và 476 nội dung vướng mắc bất cập, thực trạng này cần được quan tâm khắc phục bằng những giải pháp căn cơ, không thể kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển đất nước.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Tuy nhiên, để Nghị quyết số 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 03 nội dung sau:

Một là, nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát. Lưu ý, đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ điều kiên vay vốn cho doanh nghiệp. Vì theo khảo sát, có đến 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Và đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 02%.

Hai là, Ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại phụ luc 5 ban hành kèm theo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Ba là, Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia. Vì theo kết quả khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các NHTM thì chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này, trong đó chỉ có khoảng 0% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 02%.

Theo báo cáo của chính phủ, hiện nay lĩnh vực đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ tăng 2,7%, chỉ bằng 20% mức tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2019, và trong 04 tháng đầu năm 2024 đã có 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi đó, chỉ có 81.300 doanh nghiệp thành lập mới, cho thấy ngay trong giai đoạn này có rất nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn, về lao động, về thị trường tiêu thụ… do vậy ngoài những giải pháp nêu trên để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp cả nước đang bị kiệt sức, trong đó đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),... để tạo cơ sở, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay..., cá biệt hơn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa rồi đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi bổ sung để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, nếu chúng ta trở bộ chậm chạp, nhà đầu tư sẽ bỏ chúng ta ra đi. Mặt khác, khi hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sẽ khắc phục đươc tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, trong thực thi công vụ đang xảy ra trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay.

Báo Trà Vinh Online

Tag: