GS. TS Phạm Tiết Khánh (bìa phải), Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHTV giới thiệu với đoàn công tác về quy mô diện tích vườn dừa thực nghiệm hiệu quả của Trường ĐHTV.
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương; Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường...
Tiếp đoàn có PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV); GS. TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường, các thành viên trong Ban Giám hiệu Trường, lãnh đạo các khoa thuộc Trường ĐHTV.
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tìm hiểu về mức độ say trái của giống dừa sáp do Trường ĐHTV trồng thử nghiệm.
Đoàn khảo sát thực địa tại khu vực vườn trồng thử nghiệm dừa sáp, Khoa Nông nghiệp - Thủy sản; khu ương, dưỡng giống dừa sáp của Trường ĐHTV
Thông tin từ Ban Giám hiệu Trường ĐHTV, giai đoạn 2020 - 2023, Trường đã nghiệm thu 145 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đặc biệt, trong đó có kết quả Đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô”. Qua đó, đã thực hiện ứng dụng trong sản xuất giống dừa sáp cấy phôi theo đơn đặt hàng, đồng thời, chuyển giao “Quy trình trồng thâm canh dừa sáp” đến các hộ dân trồng dừa sáp cấy phôi trong và ngoài tỉnh: Thanh Hóa, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu, Đắk Lắk...
Đồng chí Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh kiểm tra độ sáp của dừa do Trường ĐHTV trồng thử nghiệm.
Theo đó, Trường xây dựng vườn trồng thử nghiệm giống dừa sáp cấy phôi, quy mô 05ha từ kết quả đề tài của Trường ĐHTV, nay đã cho trái, đây là nơi cung cấp trái và cây giống dừa sáp cấy phôi cho địa phương trong tương lai. Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng quy trình nuôi cấy mô dừa sáp với quy mô hiện tại sản xuất 5.000 cây giống/năm. Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, đã có khoảng 7.000 cây dừa sáp được đưa ra thị trường và doanh thu khoảng 5,6 tỷ đồng.
Từ thực tế, Ban Giám hiệu Trường ĐHTV đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí đặt hàng cấy mô dừa sáp của Trường để thực hiện đề án về nhân giống cấy mô dừa sáp (giai đoạn 2), nhằm nâng cao hệ số nhân giống cây dừa sáp và tạo giống đồng đều về mặt di truyền, giảm giá thành sản xuất cây giống, góp phần phục vụ cho phát triển nông nghiệp của tỉnh và khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường cùng các thành viên đoàn công tác đến khảo sát thực tế tại vườn dừa sáp của Trường ĐHTV.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo Trường. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ... để Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí, nhằm giúp Trường ĐHTV thực hiện giai đoạn 2 như đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường nhấn mạnh: hiện nay, Trường ĐHTV đã có đầy đủ các điều kiện: nhân lực, phương tiện do vậy, phải đẩy nhanh tiến độ nhân giống dừa sáp về quy mô, số lượng, chất lượng... nhằm đáp ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh; đảm bảo dừa giống cần chất lượng hơn bên ngoài, cần có giá thấp hơn thị trường tự do.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, Quyền Giám đốc Trung tâm Sinh học và Ứng dụng thuộc Khoa Nông nghiệp-Thủy sản giới thiệu về khả năng phát triển của cấy phôi dừa sáp.
Bí thư Tỉnh ủy giao Trường ĐHTV tham gia tích cực việc cải tạo, nâng cao chất lượng giống dừa truyền thống. Cây dừa là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu, việc nâng cấp, cải tạo giống dừa truyền thống là cần thiết…
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường chỉ đạo một số nhiệm vụ đối với Trường ĐHTV sau khi khảo sát thực địa.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN