Quang cảnh cuộc họp trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vào ngày 09/6/2023.
Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc tham mưu, phối hợp, ban hành, triển khai, thực hiện các nghị quyết thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, tổ chức đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh là rất cần thiết, qua đó đề ra giải pháp nhằm khắc phục tốt những hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Qua xem xét 61 nghị quyết của HĐND tỉnh được UBND, các sở, ngành tỉnh báo cáo kết quả thực hiện đang còn hiệu lực, có 16 nghị quyết cơ bản được triển khai thực hiện theo quy định; 45 nghị quyết còn hạn chế, vướng mắc, trong đó có 41 NQ còn vướng, UBND tỉnh có đề xuất kiến nghị, giải pháp cần xem xét trong thời gian tới.
Đơn cử như Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐNĐ, ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Thực hiện nghị quyết này, toàn tỉnh đưa đi đào tạo 52 lượt cán bộ, tổ chức 961 lớp tập huấn cho 27.220 lượt người tham dự; tổ chức 51 cuộc hội thảo, tham quan tổng kết, tham quan học tập mô hình hiệu quả cho 2.287 người tham dự. Thực hiện chuyên mục, phóng sự, tọa đàm, ấn phẩm khuyến nông được đổi mới về hình thức, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu người dân. Trực tiếp tư vấn kỹ thuật và các chính sách có liên quan đến công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn trong sản xuất cho hơn 27.258 lượt hộ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng 43 mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới thích ứng biến đổi khí hậu, thực nghiệm các giống cây, con mới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, việc thực hiện nghị quyết còn một số hạn chế, vướng mắc: kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông hàng năm thấp, điều kiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng dụng và chuyển giao còn hạn chế; nhiều chủ trương chính sách ban hành nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm.
Diện tích đất sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân không đồng đều đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hoạt động khuyến nông chủ yếu xây dựng mô hình trình diễn, chưa liên kết được thị trường tiêu thụ. Sự phối kết hợp giữa các tác nhân tham gia công tác khuyến nông có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông còn hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động nghiệp vụ khuyến nông còn thiếu. Công tác tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả do nông dân tự thực hiện chưa được quan tâm và nhân rộng, công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa phối hợp tốt với một số địa phương để triển khai lồng ghép một số chính sách về phát triển nông nghiệp.
Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền, triển khai có hiệu quả nghị quyết số 02; đồng thời trên cơ sở tình hình thực tế của tỉnh, nghiên cứu đánh giá lại tính khả thi của nghị quyết để có đề xuất giải pháp thực hiện cụ thể trong thời gian tới.
Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐNĐ, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2021, giải ngân 13,9 tỷ đồng/tổng số kinh phí được cấp 43,160 tỷ đồng (đạt 32,21%). Năm 2022, kinh phí được cấp 59,209 tỷ đồng, hiện nay các địa phương đang thực hiện giải ngân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc thực hiện nghị quyết còn hạn chế do công tác tuyên truyền, vận động chưa thật hiệu quả, dẫn đến việc đăng ký nhiều nhưng giải ngân còn hạn chế. Kết quả giải ngân chưa cao.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền, triển khai có hiệu quả nghị quyết số 03; tăng cường công tác kiểm tra các địa phương trong triển khai thực hiện nghị quyết để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ việc lập kế hoạch đăng ký ban đầu sát nhu cầu thực tế tại địa phương nhằm đảm bảo việc phân bổ, giải ngân vốn đạt hiệu quả.
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các NQ của HĐND tỉnh vào ngày 09/6/2023.
Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh, quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND, ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh sửa dổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND.
Nghị quyết đã hỗ trợ cho 2.149 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với số tiền trên 105 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96% kế hoạch vốn phân bổ, trong đó, có 1.668 hộ nghèo (863 hộ nghèo Khmer) và 384 hộ cận nghèo (193 hộ cận nghèo Khmer). Số vốn phân bổ còn lại 3,390 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang phối hợp địa phương tiếp tục giải ngân cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở đủ điều kiện hỗ trợ theo nghị quyết.
Khó khăn, vướng mắc của nghị quyết, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được địa phương rà soát, xác định đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh nhưng không muốn vay vốn để cải thiện lại nhà ở, có tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ cho không của Nhà nước, một số hộ chưa đủ điều kiện để tiếp nhận chính sách hỗ trợ nhà ở như: hộ không có đất ở, không có vốn đối ứng.
Vấn đề này, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá tính khả thi, hiệu quả của Nghị quyết số 04, tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn rà soát thống kê báo cáo cụ thể trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu hộ không có đất để xây dựng, bao nhiêu hộ không có vốn đối ứng.
Đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình, thống nhất cao với ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh đối với các nghị quyết. Đồng thời cho biết, sau khi có ý kiến kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại cuộc họp trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể từng nghị quyết đối với các ngành; đối với những văn bản hết hiệu lực, đề nghị Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan rà soát kỹ và có báo cáo cụ thể.
Để thực hiện tốt công tác đề xuất, ban hành, triển khai, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Kim Ngọc Thái đề nghị các ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu, triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, khắc phục tốt những hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chủ động cập nhật đầy đủ các quy định của Trung ương, các chủ trương của Tỉnh ủy, của Ban Thường vu Tỉnh ủy; thường xuyên rà soát, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách để kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế chính sách mới hoặc sửa đổi, thay thế chính sách cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các đơn vị chủ trì soạn thảo nghị quyết cần chú trọng lấy ý kiến của Nhân dân và các cơ quan. UBMTTQ Việt Nam tỉnh cần tăng cường công tác phản biện xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo nghị quyết sau khi ban hành có tính khả thi và thực hiện có hiệu quả.
Các ban HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra, cần thể hiện rõ quan điểm của các ban đối với những nghị quyết chưa phù hợp với quy định của pháp luật để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Các ngành rà soát các nghị quyết đã ban hành tham mưu UBND tỉnh theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực HĐND tỉnh công bố nghị quyết HĐND tỉnh hết hiệu lực đúng quy định.
Bài, ảnh: KIM LOAN