Sign In

Khẳng định trụ đỡ của nền kinh tế

20:34 03/01/2024
Ngày 3-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.  Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng trưởng cao; thặng dư thương mại toàn ngành cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đạt 12,06 tỷ USD, tăng 43,7%...

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,65% so với năm 2022; tổng sản phẩm lương thực đạt 34,4 triệu tấn, vượt 1,3% kế hoạch; giá trị sản xuất một số cây trồng vật nuôi chủ lực tiếp tục được nâng cao, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung thực hiện Chiến lược phát triển Nông nghiệp và nông thôn bền vững; kế hoạch cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%...

 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung thảo luận bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, sản…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực đồng thời ghi nhận kết quả đạt được của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2023. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2024 được nhận định thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần: Tiếp tục đổi mới tư duy, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng Ngành trong bối cảnh nhiều biến động; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Đồng thời, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của ngành. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở đó, ngành cũng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường... gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất xanh, an toàn, có trách nhiệm và bền vững.

Theo Đoàn Thư/baotuyenquang.com.vn

Tag:

File đính kèm