Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể Nhân dân Việt Nam và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trước khi dẫn đến sự kiện lịch sử này, dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, vượt qua khó khăn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định. Quân đội Xô Viết đã giành nhiều thắng lợi trên chiến trường châu Âu, trong khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật vào tháng 8/1945, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Tận dụng thời cơ thuận lợi này, Đảng và Nhân dân Việt Nam đã quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, biến lý tưởng độc lập và tự do của dân tộc thành hiện thực.
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố sự ra đời của một nhà nước mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một văn bản pháp lý khẳng định quyền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam mà còn là một kiệt tác văn hóa với giá trị vượt thời gian. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập."
Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Từ bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, bản Tuyên ngôn ngày 02/9/1945 đã nêu ra một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do,” “đó là lẽ phải không ai chối cãi được” [1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền dân tộc tự quyết của Nhân dân Việt Nam, đặt nền móng cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Nó không chỉ là cơ sở pháp lý cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn là nguồn cảm hứng cho các cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa khác trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập còn là một lời thề thiêng liêng về khát vọng độc lập, tự do và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thể hiện rõ quyết tâm và sức mạnh của Nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và ý nghĩa sâu sắc với quốc tế. Thắng lợi đó đã trực tiếp góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai; cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa vươn lên đấu tranh tự giải phóng. Đồng thời, có ảnh hưởng to lớn đến các nước Lào và Campuchia. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [2].
Hơn 79 năm đã trôi qua kể từ ngày Tuyên ngôn Độc lập được công bố, Ngày Quốc Khánh 2/9 là biểu tượng của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết của Nhân dân Việt Nam. Đây không chỉ là ngày kỷ niệm sự ra đời của một nhà nước mới mà còn là dịp để Nhân dân Việt Nam cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc Khánh 2/9 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền thực sự thuộc về tay Nhân dân. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do và dân chủ.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc vượt qua những thử thách to lớn, từ cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Những chiến thắng vĩ đại như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, giải phóng miền Nam năm 1975 đã minh chứng cho sức mạnh và tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Đất nước đã từng bước hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới.
Ngày nay, Ngày Quốc Khánh 02/9 tiếp tục là nguồn động lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần Không có gì quý hơn độc lập tự do, Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tranh thủ cơ hội, khắc phục thách thức, sớm hiện thực hóa mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày Quốc Khánh 02/9 mãi mãi là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là ngày mà nhân dânViệt Nam khẳng định quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trải qua 79 năm, những giá trị của Tuyên ngôn Độc lập và tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyết tâm cống hiến cho một Việt Nam hùng cường, trường tồn và phát triển bền vững.
Đỗ Hồng Thanh
1. TTXVN,Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại, Tuyên giáo, tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 31/8/2015.
2. TS Tạ Quang Đạo, Mãi sáng ngời giá trị lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9; Báo điện tử Đảng Cộng sản, 16/8/2024.