Ngày đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)
Ngày 07/5/1954, chiến thắng vang dội của quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới. Ngày 30/9/1954 và 02/10/1954, các hiệp định về việc chuyển giao Thủ đô Hà Nội được ký kết trong không khí phấn khởi của người dân thủ đô. Điều này bao gồm việc tiếp quản thành phố từ quân đội Pháp sang quân đội Việt Minh. Trước kẻ thù xâm lược có quân đội được trang bị hiện đại, có bộ máy thống trị với những thủ đoạn đàn áp tàn bạo, Nhân dân Hà Nội chỉ với vũ khí thô sơ trong tay, đã dũng cảm đứng lên quyết chiến và quyết thắng. Biết bao người con ưu tú của Thủ đô đã chiến đấu kiên cường bất khuất, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược. Cuộc hành trình tới sự giải phóng bắt đầu từ sáng 08/10/1954, đơn vị quân đội Việt Minh bắt đầu tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sáng 09/10/1954, Bộ đội Việt Minh tiến vào nội thành Hà Nội và phân tán đến các cửa ô chính của thành phố.
Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. 05 giờ ngày 10/10/1954, không khí khắp Thủ đô đã rất sôi động. Nhân dân đứng hai bên đường chào đón đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn Nhân dân Thủ đô dự lễ chào cờ chiến thắng ghi dấu mốc quan trọng đưa Thủ đô bước sang một trang sử mới [1].
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo Thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/01/1973. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc. Thủ đô Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước.
Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Thành phố Vì hòa bình, năm 1999, mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018.
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,12%, cùng kỳ tăng 5,99%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 92,8% dự toán, tăng 23,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,8% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%; vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,7%; giải quyết việc làm cho 178,8 nghìn lao động, vượt 8,3% kế hoạch cả năm [2].
Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, sửa đổi, có hiệu lực từ 01/01/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP. Hà Nội trong tương lai… Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia.
Qua mỗi biến động, thử thách của lịch sử, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn xứng danh là biểu tượng của niềm tin và hy vọng của dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Đỗ Hồng Thanh
1. TTXVN, 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): Tự hào quá khứ, vững bước tương lai; Trang thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương, 09/10/2022.
2. PV, 70 năm giải phóng Thủ đô - Mốc son lịch sử chói lọi; Tạp chí con số sự kiện, Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 07/10/2024.