Sign In

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất năm 1976 là ngày hội lớn của cả Dân tộc Việt Nam

17:21 25/04/2023
Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lần thứ hai diễn ra trên phạm vi toàn quốc, thật sự là ngày hội lớn của toàn dân ta. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển và xây dựng đất nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Ảnh minh hoạ: Tất Thắng

Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI nhiệm kỳ (1976-1981),  Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất, là một thành công vĩ đại của dân tộc, một dấu son sáng trong hành trình thống nhất và phát triển đất nước, còn nguyên dấu ấn lịch sử đến tận ngày nay. Cuộc tổng tuyển cử này được tổ chức chỉ sau một năm kể từ ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, khi niềm vui chung của cả hai Miền Bắc và Nam đã lan tỏa khắp đất nước. Hơn 23 triệu cử tri toàn quốc với tư thế của những người làm chủ đất nước đã nô nức thực hiện nghĩa vụ công dân của mình và bầu cho những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tỷ lệ chung cử tri đi bầu cử là 98,77%. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đạt 100% quân số đi bầu; một số địa phương đạt hơn 99% số cử tri đi bầu cử.

Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu Nhân dân hai Miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về thống nhất Nước nhà về mặt Nhà nước vào tháng 11/1975. Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả Nước. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn Độc lập và Chủ nghĩa Xã hội, Quốc hội sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/01/1976, qua đó xác định rõ những nguyên tắc của cuộc bầu cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào Miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của Miền Nam [1].

Ở Miền Bắc, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ở Miền Nam, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Hội đồng cố vấn Chính phủ. Ở mỗi miền, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử có quyền và trách nhiệm cử ra Hội đồng Bầu cử miền để phụ trách việc bầu cử của miền. Riêng tỉnh Bình - Trị - Thiên có một phần ở Miền Bắc, một phần ở Miền Nam nên cả hai miền cùng phụ trách dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử toàn quốc. Những tỉnh, thành phố lớn, đông dân được bầu nhiều đại biểu thì có thể chia thành nhiều khu vực bầu cử. Tổng số đại biểu Quốc hội cả nước được Hội đồng Bầu cử toàn quốc ấn định là không quá 500 người. Các tỉnh Miền Nam đã tiến hành điều tra dân số gấp để thiết thực phục vụ cho bầu cử bảo đảm chính xác, công bằng, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch nhà nước.

Kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm đó, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Ở vùng mới giải phóng Miền Nam, nhiều người là công nhân, nông dân lao động bình thường nhưng có thành tích xuất sắc, có uy tín cao đã được bầu vào Quốc hội; nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước được giới thiệu đã đắc cử. Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (Quốc hội khóa VI) diễn ra từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 đã bầu ra: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, hai Phó chủ tịch nước là Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và những cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước. Cùng với đó, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xác định Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô là Hà Nội... Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch nước, Chính phủ và những cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước. Đặc biệt, Quốc hội khóa VI cũng đã xây dựng và thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980...[2]

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội chung của cả nước, ngày 25/4/1976 là một sự kiện trọng đại đánh dấu thắng lợi có tính quyết định của Nhân dân Việt Nam trên con đường thống nhất Nước nhà về mặt Nhà nước. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định quyền làm chủ đất nước của Nhân dân Việt Nam, trong việc tự nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Thắng lợi này cũng khẳng định ý chí thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam, khẳng định sức mạnh vô địch khối đại đoàn kết dân tộc trong việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Cuộc Tổng tuyển cử đã giải quyết cơ bản những vấn đề bức thiết về yêu cầu thống nhất về mặt Nhà nước và thỏa mãn được nhu cầu, nguyện vọng thống nhất Tổ quốc của toàn thể Nhân dân Việt Nam.

1. Quốc hội.vn, Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (25/04/1976 - 25/04/2016), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 18/11/2019.

2. Phương Hằng, Tổng tuyển cử 1976 - Trọn vẹn niềm vui “Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”, Báo Quân đội Nhân dân, Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, Tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam, Ngày 21/5/2021.

Đỗ Hồng Thanh

 

 

Tag:

File đính kèm