Ảnh minh họa: Tất Thắng
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá". Nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm [1].
Cho tới nay, Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng toàn cầu đến tình trạng nguy hại có thể tránh được do việc sử dụng thuốc lá. Lễ kỷ niệm thường niên này đã trở thành một cách để thông báo với công chúng về sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá, các hoạt động kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá, cũng như những nỗ lực mà WHO đang thực hiện để chống lại những hậu quả tồi tệ do thuốc lá mang lại. Hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng các loại cây bền vững, nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trên toàn cầu trong việc bảo vệ sức khỏe và đảm bảo tương lai tốt đẹp cho những thế hệ sau này.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Sử dụng thuốc lá gây tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với đa dạng mẫu mã, mùi vị hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Nicotine trong thuốc lá gây nghiện và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ em trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên [2].
Tại Việt Nam, theo điều tra toàn cầu về việc sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi vào năm 2010, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là 47,4%, và có khoảng 33 triệu người không hút thuốc lá thường xuyên nhưng tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà. Cùng với hơn 5 triệu người không hút thuốc nhưng tiếp tục hít phải khói thuốc lá tại nơi làm việc. Nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng vào năm 2013 cũng chỉ ra rằng 28% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt Nam từ 35 tuổi trở lên có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất kinh tế do mất khả năng lao động, do các bệnh như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim và đột quỵ (tổng cộng 25 bệnh được liên kết với thuốc lá), được ước tính lên đến hơn 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trước thực tế đó, năm 2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá với cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai. Tiếp đó, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013. Thuế thuốc lá tăng theo lộ trình kể từ ngày 1/1/2016. Thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá tăng thêm 5%, từ 65% lên mức 70%; tiếp đó từ ngày 1/1/2019 thuế tăng từ 70% lên 75% [3].
Sau 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Việt Nam đã được WHO, cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao khi triển khai toàn diện và hiệu quả nhiều chương trình can thiệp, đặc biệt là in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ thuốc lá, cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Ở lứa tuổi 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thông tin những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ.
Từ khi triển khai phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, người dân nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với ngành Y tế, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định không hút thuốc lá ở nơi công cộng, trong cơ quan, đơn vị. Phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức tìm hiểu Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; sáng kiến phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng thể hiện rõ rệt. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, giảm số lượng người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, ngày thế giới không thuốc lá 31/5, cho thấy vai trò nâng cao nhận thức của mọi Người trên thế giới và người dân Việt Nam về tác hại của khói thuốc được nâng lên. Niềm tin về cuộc sống trong môi trường không khói thuốc lá được khẳng định, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người.
Đỗ Hồng Thanh
1. Suckhoedoisong.vn, Thứ trưởng bộ y tế: Thuốc lá điện tử không phải sản phẩm ít hại, ít nguy cơ đối với sức khoẻ, Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử, 23/5/2023.
2..Hoàng Trung, Tăng cường xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thuốc lá, Quân đội Nhân dân - Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, Tiếng nói của Lực lượng Vũ trang và Nhân dân Việt Nam, 23/5/2023.
3. ĐCSVN, Tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam đã giảm, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 28/5/2015.