Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Tại tỉnh Vĩnh Long, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc qua về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ. Trong 06 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành trên 150 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số và Đề án 06; chủ động xác định nhiệm vụ và phân công trách nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian” cho từng cơ quan, đơn vị để chủ động tổ chức thực hiện và đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, đã tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là những tiện ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, đồng thuận và tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06.
Các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân gắn chíp điện tử, định danh và xác thực điện tử góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cụ thể như: triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp có tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế tại 131/131 cơ sở khám, chữa bệnh; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại 15/15 cơ sở y tế và 399/399 cơ sở giáo dục; thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 52,64% đối tượng hưởng an sinh xã hội, với số tiền hơn 24 tỷ đồng; chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua tài khoản cho 62,84% đối tượng, với tổng số tiền trên 65 tỷ đồng.
Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công thương Vĩnh Long; có 372 cơ sở, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia với hơn 1.300 sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ, nông thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, gia dụng,… Trong đó, tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia Sàn đạt 75%. Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 20/27 mô hình điểm về Đề án 06 đã đăng ký (trong tổng số 44 mô hình điểm của Đề án 06). Qua đó đã góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, tỉnh cũng đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, như: tăng cường tuyên truyền các quy định của Luật Căn cước năm 2023, nhất là về những điểm mới của Luật Căn cước, những tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử...; đảm bảo về nhân lực, trang biết bị để thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho người dân...Qua đó, từ ngày 01/7/2024 đến nay, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu nhận hơn 2.600 hồ sơ cấp thẻ căn cước cho người dân trên địa bàn, trong đó có hơn 80 trường hợp là công dân dưới 14 tuổi...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số; phát triến kinh tế số và đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân và doanh nghiệp, phải nói thật làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là người yếu thế, người có công với cách mạng, người già yếu.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho Bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời chia sẻ cơ sở dữ liệu này với các Bộ, ngành, địa phương và tập trung về Cơ sở dữ liệu quốc gia để từ đó yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công việc này. Về nội dung này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp triển khai thực hiện.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành được sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC thông qua chuyển đổi số. Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng.
Cùng với đó, đẩy mạnh số hóa làm giàu dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ, trực tiếp. Rà soát xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới.
Lâm Dung