Toàn cảnh Phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Trần Quang Phương chủ trì phiên chất vấn.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Dự phiên chất vấn còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở Trung ương, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, đại diện Kiểm toán nhà nước, Ban Nội chính Trung ương cùng một số cơ quan có liên quan.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, xuất phát từ tình hình thực tiễn và thống kê hoạt động chất vấn thời gian qua, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực tòa án và kiểm sát.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án nhân dân chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nổi lên là vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành tòa án.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
Trong buổi sáng, các đại biểu tập trung chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Câu hỏi chất vấn xoay quanh những nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án; Công tác cán bộ của ngành Tòa án; Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến… Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực này.
Chất vấn Chánh án TAND tối cao đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi: Theo báo cáo từ năm 2018 đến nay Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân các cấp cao đã giải quyết được 41.166 đơn/46.226 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết kết quả giải quyết của 41.166 đơn như thế nào?
Đặt câu hỏi từ năm 2018 đến nay có bao nhiêu cán bộ thẩm phán bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ? Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cho biết trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao trong việc để xảy ra tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến và các đại biểu khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định không bao che, tất cả các thẩm phán vi phạm đều bị xử lý nghiêm với nguyên tắc không có vùng cấm. Đồng thời cho biết ngành toà án liên tục kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán. TAND Tối cao cũng ban hành bộ quy tắc cho thẩm phán, đã được giảng dạy trong trường của hệ thống toà án.
"Đặc biệt, các trường hợp vi phạm chúng tôi còn chủ động chuyển cho cơ quan thanh tra, điều tra chứ không bao che", Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: Phiên chất vấn đã diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm, kết thúc phiên chất vấn đã có 35 đại biểu đăng ký, 29 đại biểu tham gia đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu tham ra tranh luận. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp hữu hiệu và khả thi trong mỗi chất vấn.
Thiệu Vũ (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)