Tại hội nghị lần thứ 19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng Quy định 96 của Bộ Chính trị.
Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị. Ảnh: Trường Khanh
Quán triệt và cụ thể hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 153 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch 153, việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm và người ghi phiếu tín nhiệm.
Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Góp phần đánh giá năng lực, uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Tỉnh ủy chỉ đạo việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy các cấp sẽ được thực hiện trong tháng 6/2023; riêng đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác sẽ tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp (dự kiến trong tháng 7/2023).
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô Trần Văn Tuyên cho biết: "Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh là việc làm cần thiết đối với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng.
Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sẽ thấy được sự đánh giá, tín nhiệm của tập thể đối với mình, đồng thời, tự nhận thức được những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, từ đó, chủ động đề ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục nhằm phấn đấu, rèn luyện, cống hiến tốt hơn cho Đảng, cho dân…".
Theo đồng chí Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là việc làm rất quan trọng. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đánh giá uy tín, năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cá nhân mỗi đồng chí, mà còn giúp mỗi đồng chí được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa” lại mình, từ đó, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao…
Kết quả trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh không chỉ là một kênh thông tin tham khảo trong công tác cán bộ, mà còn được Tỉnh ủy sử dụng để đánh giá chất lượng cán bộ; đồng thời, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm…".
Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý theo đúng quy định, đảm bảo tính chính xác, công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự giác báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm, những việc làm được, những việc chưa làm được và sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, không đùn đẩy, né tránh.
Người ghi phiếu tín nhiệm cần thể hiện tinh thần khách quan, vô tư, không vì động cơ cá nhân, không bị tác động, lôi kéo của người khác và cũng không được tác động, lôi kéo người khác làm sai lệch thực chất mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm…
Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngô Tuấn Anh