Sign In

KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở VĨNH PHÚC - BÀI HỌC LỚN VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

20:50 18/08/2023

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc” (1930 - 2005) trình bày nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Vĩnh Phúc” viết “Do hai đảng bộ đã nhạy bén tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, nhất là chủ trương xây dựng lực lượng của Trung ương Đảng, trong đó, đặc biệt là vai trò hạt nhân lãnh đạo của các đảng viên, các chi bộ ở cơ sở”. Đó là bài học đầu tiên có tính quyết định thắng lợi của công cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Phúc.

Từ khi Đảng ra đời, mục tiêu chiến lược của Đảng là lãnh đạo nhân dân đập tan ách thống trị của đế quốc, thực dân cùng bè lũ tay sai; giành chính quyền về tay nhân dân. Để có cuộc đổi đời lịch sử, Đảng ta đã trải qua 15 năm kiên cường lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân ta, trong đó có 2 cuộc tập dượt rất quan trọng, đó là thời kỳ 1930 - 1931 với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936 - 1939.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra (9/1939), Đảng ta đã kịp thời đề ra chủ trương chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc và chuẩn bị mọi mặt để khởi nghĩa giành chính quyền trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tập trung đặc biệt cho công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ cho hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên để đáp ứng tình hình trong giai đoạn mới.

Sau khi thành lập Chi bộ Vĩnh Tường (tháng 10/1938) đảm nhận trọng trách lãnh đạo phong trào toàn tỉnh, cuối năm 1939, một số chi bộ đã ra đời như chi bộ ghép khu vực Dẫn Tự - Hòa Lạc - Thượng Trưng; tháng 2/1940, Chi bộ Lâm Hộ - Thị xã Phúc Yên được thành lập. Về cán bộ, đảng viên, đến thời kỳ này có 11 đồng chí sinh hoạt trong các chi bộ của hai tỉnh.

Trước đòi hỏi của phong trào, tháng 3/1940, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban vận động liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên (tương đương liên Tỉnh ủy lâm thời) gồm 3 đồng chí: Lê Xoay, Nguyễn Tráng (tỉnh Vĩnh Yên) và Hoàng Xuân Quán (tỉnh Phúc Yên), do đồng chí Lê Xoay làm Bí thư. Sở dĩ thành lập Ban vận động liên tỉnh, theo Xứ ủy Bắc Kỳ, hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên có mối quan hệ gắn bó lâu đời trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân 2 tỉnh. Sự kiện thành lập Ban vận động liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên tháng 3/1940 có thể coi là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

Từ sau khi thành lập Ban vận động liên tỉnh, phong trào cách mạng của nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên có bước phát triển khá mạnh, nhất là phong trào “phản đối đế quốc chiến tranh”, “chống bắt phu, bắt lính” được tổ chức ở nhiều nơi trong 2 tỉnh. Đến tháng 8/1940, do tỉnh Phúc Yên chuyển về trực thuộc Khu ủy E (gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phúc Yên), nên Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định kiện toàn lại Ban vận động liên tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Yên được thành lập Ban cán sự tỉnh (tương đương Tỉnh ủy lâm thời), đồng chí Lê Xoay được chỉ định làm Bí thư Ban cán sự.

Trong 2 năm 1940 - 1941, Xứ ủy bổ sung cho tỉnh Vĩnh Yên một số cán bộ như đồng chí Khuất Thị Vĩnh, Lê Thu Trà, Trần Thị Sinh, Đỗ Đạc, Nguyễn Văn Thọ, đồng thời Xứ ủy chỉ định đồng chí Phạm Cao Quát làm Bí thư Ban cán sự thay đồng chí Lê Xoay chuyển về căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai.

Tỉnh Phúc Yên thời kỳ này có nhiều biến động do chuyển từ trực thuộc Khu ủy D sang Khu ủy E, đồng thời lại bị địch khủng bố nặng nề. Vì vậy, đến đầu năm 1942, Ban cán sự tỉnh Phúc Yên mới được thành lập do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư. Như vậy, thời gian thành lập Ban cán sự riêng cho từng tỉnh sớm muộn có khác nhau, nhưng sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến về chất của công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng trong tỉnh.

Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh phong trào cách mạng của nhân dân ngày một phát triển mạnh mẽ, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, đào tạo cán bộ trở nên cấp bách đối với đảng bộ 2 tỉnh. Tại Đảng bộ Vĩnh Yên, sau khi thành lập Ban cán sự, nhận thấy các địa phương, nhất là huyện Vĩnh Tường và thị xã Vĩnh Yên có số đảng viên khá đông nên Xứ ủy đã nghiên cứu các đề xuất của Ban cán sự tỉnh về củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ sở Đảng. Đến đầu năm 1941, riêng huyện Vĩnh Tường có các chi bộ: Hòa Lạc, Dẫn Tự, Vũ Di, Thượng Trưng, Thọ Trưng, Phú Trưng, Bích Đại, Bạch Hạc, chợ Cầu Hạc… Trên cơ sở thực tiễn như vậy, tháng 4/1941, tại Vĩnh Tường, khu ủy thành lập Phủ ủy Vĩnh Tường và 2 tổng ủy Thượng Trưng và Đồng Phú. Ban Phủ ủy Vĩnh Tường gồm 5 đồng chí; do đồng chí Nguyễn Tráng, ủy viên Ban cán sự tỉnh làm Bí thư. Tổng ủy Thượng Trưng do đồng chí Nguyễn Văn Khé làm Bí thư; Tổng ủy Đồng Phú do đồng chí Nguyễn Hành làm Bí thư. Cả 2 đồng chí đều là ủy viên Ban Phủ ủy Vĩnh Tường.

Cũng trong giai đoạn này, Khu ủy D và Ban cán sự tỉnh đã quyết định thành lập Ban cán sự thị xã Vĩnh Yên vào cuối tháng 4/1941. Việc hình thành hệ thống tổ chức Đảng hoàn chỉnh một năm sau khi thành lập đảng bộ, tuy mới trong phạm vi hạn hẹp, từ Chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy đến Ban cán sự nói lên sự lớn mạnh về mặt tổ chức xây dựng Đảng so với các tỉnh trong vùng…

Các cơ sở đảng được củng cố, do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đã ngày càng được tăng cường, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp địa bàn 2 tỉnh. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ngày càng sục sôi, nhất là bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Nhận rõ Vĩnh Yên và Phúc Yên là 2 tỉnh có vị trí địa lý rất quan trọng đối với khu D và cả Bắc Kỳ, do đó, Xứ ủy quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, giúp đỡ để 2 tỉnh phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, tạo thuận lợi để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8/1944, Xứ ủy Bắc Kỳ cử một đội công tác gồm 3 đồng chí là: Đinh Đức Thiện, Khuất Thị Vĩnh và Phạm Học, do đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách về tỉnh Vĩnh Yên xây dựng An toàn khu (ATK) dự bị của Xứ ủy. Tiếp theo, tháng 10/1944, Xứ ủy cử tiếp đội công tác thứ 2 gồm 3 đồng chí là: Bắc Dũng, Kim Ngọc, Nguyễn Văn Phái về tỉnh Vĩnh Yên hoạt động, mở đường liên lạc từ Phúc Yên lên Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Về thực chất, cả hai đội công tác đều làm nhiệm vụ của tổ chức đảng, hỗ trợ cho hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Vì lẽ đó, đến tháng 1/1945, đội của đồng chí Đinh Đức Thiện gồm 3 đồng chí, được Xứ ủy quyết định chuyển về tham gia Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên, sau đó thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Đinh Đức Thiện được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.

Thời kỳ từ 1942 - 1945, tỉnh Phúc Yên được cấp trên chỉ đạo xây dựng ATK của Trung ương, nên cũng được tăng cường nhiều cán bộ có năng lực về lần lượt giữ các chức vụ quan trọng như đồng chí Lê Liêm, Lê Thị Lịch, Trần Thị Sinh, Lê Thu Trà, Năm Đen, Vũ Ngọc Linh.

Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ diễn ra từ ngày 17/8/1945 đến 31/8/1945, nhưng để có thắng lợi đó, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh đã kiên cường đấu tranh, chịu nhiều hy sinh, khó khăn, gian khổ 15 năm trời. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó, có những cán bộ, đảng viên tỉnh ngoài được Trung ương điều về tăng cường cho 2 tỉnh đã tận tụy, đồng cam cộng khổ với nhân dân, lăn lộn trong phong trào, có người đã hy sinh anh dũng để góp phần vào thắng lợi của phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Kể từ ngày giành được chính quyền (8/1945) đến nay đã 78 năm. Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm về sự kiện đổi đời lịch sử ấy mãi mãi không phai mờ trong tâm trí lớp lớp các thế hệ công dân Vĩnh Phúc và “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc” (1930 - 2005) đã tổng kết, khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Vĩnh Yên và Phúc Yên là do 2 đảng bộ đã nhạy bén tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, nhất là chủ trương xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa của Trung ương Đảng, trong đó đặc biệt là vai trò hạt nhân lãnh đạo của các đảng viên, các chi bộ đảng ở cơ sở. Đảng bộ thường xuyên được sự chỉ đạo rất kịp thời, trực tiếp và được tăng cường cán bộ lãnh đạo có năng lực của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tuy không đông, cơ sở đảng còn ít, lúc khởi nghĩa cả hai đảng bộ mới có gần sáu chục đảng viên, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số, nhưng các đảng viên của Đảng bộ đều đã trải qua thử thách, tôi luyện trong môi trường đấu tranh cách mạng, đều thực sự là những người tận tụy, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, luôn lăn lộn với phong trào, bám sát quần chúng, gắn bó với cơ sở, trở thành hạt nhân lãnh đạo mọi phong trào đấu tranh…”. Như vậy, bài học sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở địa phương về bản chất là hiệu quả từ công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của Đảng.

Đỗ Việt Trì

Tag:

File đính kèm