Kỳ 1: Đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Khánh và tâm nguyện “đi tìm di ảnh cho Anh”
“Có người lính, mùa Thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa Xuân ấy ra đi từ đó không về”...
Và cũng ra đi từ những mùa Xuân, mùa Thu lịch sử ấy, 45 người con anh dũng của thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; hai phần ba trong số họ còn nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ, chưa được trở về quê nhà. Để rồi hôm nay, trong nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn, những ngôi mộ gió nghi ngút khói nhang sớm chiều vẫn đau đáu lòng người bao nỗi hoài mong. Càng trăn trở hơn khi nhiều liệt sĩ mấy chục năm qua không có một tấm ảnh thờ. Từ nỗi niềm đau đáu đó, đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Khánh - Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Tam Sơn đã lên một kế hoạch đặc biệt - phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ trao tặng các gia đình, để con được nhận mặt cha, vợ được gặp lại chồng...
Nỗi lòng đâu của riêng ai
Tôi gặp Khánh. Cứ nghĩ Khánh cũng như chúng tôi - những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình, hình dung về chiến tranh qua những câu chuyện kể, những bài học lịch sử. Nhưng không, với Nguyễn Ngọc Khánh, nỗi đau, nỗi mất mát của chiến tranh hiển hiện ngay trong chính gia đình anh. Bởi, Khánh có người bác liệt sĩ hy sinh năm 25 tuổi đến nay vẫn chưa được trở lại quê nhà. Mỗi lần nhìn những dòng thông tin trên thư hồi đáp của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục Chính trị, lòng anh như thắt lại: "Liệt sĩ Nguyễn Anh Nương nhập ngũ năm 1966, hy sinh ngày 18/12/1972 ở Gia Lai. Hiện nay, đơn vị chưa xác định chính xác vị trí mai táng, quy tập liệt sĩ...".
Bao năm qua, Khánh cùng gia đình không ngừng tìm kiếm, mong mỏi một ngày được đón bác trở về dù chỉ là hình hài lẫn trong nắm đất quê xa. Mỗi lần nhìn tấm ảnh thờ của bác đã nhòe đi quá nửa những đường nét trên gương mặt, Khánh muốn tìm một người thợ giỏi để phục chế lại cho bác tấm ảnh mới thật đẹp, cho con cháu đời sau biết mặt, nhớ tên.
Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Tam Sơn Nguyễn Ngọc Khánh (người ngồi) trao đổi với đoàn viên về các thông tin liên quan đến việc phục dựng chân dung liệt sĩ
Và rồi, như một cơ duyên, Khánh biết đến nhóm TeamLee của anh Lê Quyết Thắng ở tỉnh Nghệ An với nhiều dự án phục dựng ảnh liệt sĩ. Sau một thời gian dài theo dõi hoạt động của nhóm, Khánh hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của nhóm anh Thắng. Dự định chính thức ngỏ lời thì... một ý tưởng khác chợt lóe lên trong Khánh kèm dòng suy nghĩ áy náy, mặc cảm: “Bản thân mang trọng trách là Bí thư Đoàn. Hiện trên địa bàn thị trấn, ngoài bác ra, còn nhiều liệt sĩ khác cũng chưa được trở về quê nhà và không có một tấm ảnh thờ suốt mấy chục năm. Vậy thì làm sao có thể chỉ nghĩ cho riêng gia đình mình được. Nhưng nếu làm cho tất cả các liệt sĩ khác thì sẽ phải làm như thế nào, kinh phí ở đâu ra...".
32 tuổi đời, vừa tròn 10 tuổi Đảng, bằng bản lĩnh, sự quyết tâm cộng với tình cảm tri ân xuất phát từ chính bản thân mình, ý tưởng của người đảng viên ấy đã hoàn toàn thuyết phục được các đồng chí trong Đảng ủy, UBND thị trấn. Đó như niềm động viên, cổ vũ bước đầu cho Khánh để anh bắt tay thực hiện kế hoạch.
Một cuộc khảo sát đã được các đoàn viên triển khai tới tất cả gia đình liệt sĩ trên địa bàn; nêu rõ lý do, mục đích và đã nhận được sự phản hồi tích cực. Ngoài một số gia đình mới phục chế ảnh, một số khác với lý do khách quan, thì có 13 gia đình đăng ký phục dựng lại ảnh liệt sĩ.
Nội dung này đã chính thức đưa ra bàn bạc, xin ý kiến tại cuộc họp chi bộ ở các tổ dân phố, trong đó bao gồm cả kế hoạch vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ cho đơn vị thực hiện. Bên cạnh những cánh tay đồng tình thì cũng có một số đảng viên cao tuổi phản đối. Với lý do, chiến tranh đã qua lâu rồi, bây giờ bàn việc phục chế ảnh là thêm một lần khơi dậy nỗi đau cho những người ở lại. Nếu chẳng may, những tấm ảnh phục dựng nếu không giống thì nỗi đau ấy lại càng nhân lên. Chưa kể, nguồn kinh phí biết lấy ở đâu.
Quyết tâm bảo vệ kế hoạch của mình, người đảng viên trẻ nhẫn nại giải thích với các bậc cao niên rằng: "Đây là việc làm nhằm thể hiện sự biết ơn, tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với gia đình chính sách. Đồng thời, qua đó thiết thực tuyên truyền, giáo giục thế hệ trẻ về sự hy sinh, lòng biết ơn cũng như hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Tam Sơn.
Về kinh phí, Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm vận động. Ảnh sẽ được tặng miễn phí cho các gia đình liệt sĩ. Về kết quả, tôi xin đem uy tín của mình ra đảm bảo sẽ đẹp, giống 90%. Nếu chúng ta sợ hôm nay rơi nước mắt thì con cháu chúng ta đời sau mãi sẽ không biết đó là liệt sĩ nào, mặt mũi ra sao, tại sao lại thờ ông ấy ở đây?"...
Vì thời gian đã cận kề dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), thị trấn Tam Sơn quyết định ưu tiên chọn 5 trường hợp liệt sĩ không có ảnh hoặc ảnh đã mờ, nhòe không còn rõ để khởi đầu cho dự án phục dựng.
Hành trình tìm lại chân dung... liệt sĩ
Nhớ lại những ngày đầu tháng 7, Khánh và các đoàn viên sốt sắng chạy đi chạy lại đến các gia đình liệt sĩ để thu thập dữ liệu, chuyển cho đơn vị thực hiện, mặc ngoài đường, nắng nóng đang vào đợt đỉnh điểm. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại vai áo...
Khánh với vai trò là cầu nối, khi đã hoàn thiện bản phác thảo, họ sẽ chuyển lại để Khánh trực tiếp mang đến gia đình trao đổi từ dáng mũi, mắt, miệng, màu da... sau đó yêu cầu họ chỉnh sửa theo phản hồi. Công đoạn này tốn rất nhiều thời gian nhưng khá quan trọng, vì nó quyết định đến kết quả cuối cùng.
Nguyễn Ngọc Khánh cùng các đoàn viên liên tục gặp gỡ thân nhân liệt sĩ để điều chỉnh từng chi tiết ảnh cho phù hợp
Khó nhất là những bức ảnh đã cũ, mất đường nét; những bức vẽ phác họa bằng bút chì, mực đã bay màu, đường nét không chân thực, nhóm phải phục dựng chân dung dựa vào sự miêu tả của người thân.
Những trường hợp có ảnh như liệt sĩ Trần Kim Thiết, liệt sĩ Nguyễn Văn Tác, việc phục chế đã khó khăn, những liệt sĩ không có ảnh, cái khó lại gấp bội lần. Có đôi lúc, Khánh tưởng phải dừng dự án, nhưng rồi, tự anh lại động viên mình rằng: Lời nói của một đảng viên, của một Bí thư Đoàn không thể là nói chơi, không thể thất bại trong dự án ý nghĩa này được. Bởi đây là lời hứa, là tâm nguyện của anh với các anh linh liệt sĩ.
Chân dung liệt sĩ Trần Kim Thiết
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Sơn cho biết: “Hiểu những vướng mắc cũng như khó khăn của đồng chí Khánh trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã chia sẻ, động viên và cũng sâu sát, đồng hành cùng với Đoàn Thanh niên. Tôi nhớ trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Giai không có ảnh, việc phục dựng hoàn toàn bằng phương pháp tìm nét giống trên gương mặt của người con trai. Và khi chúng tôi đến trao ảnh, gia đình vô cùng xúc động, mừng vì đã có 1 tấm ảnh thờ để con cháu biết mặt cha, ông. Đó là nguồn động viên rất lớn để đồng chí Khánh có niềm tin vào dự án này”.
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Tác
Khác với một Bí thư Đoàn Thanh niên lăn lộn, sôi nổi, nhiệt tình xắn tay vào công việc, khi nói về bản thân mình, Khánh lại rất kiệm lời và khiêm tốn: “Tôi chỉ nghĩ, cố gắng làm hết trách nhiệm của một người đảng viên, một người đoàn viên đại diện cho thế hệ trẻ. Mà tuổi trẻ phải là thế hệ thấm nhuần tinh thần biết ơn và tri ân. Chăm lo cho người có công vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự, là mệnh lệnh từ trái tim...”.
Sau 20 ngày, Đoàn Thanh niên thị trấn Tam Sơn, trực tiếp là Khánh đã song hành với nhóm của anh Lê Quyết Thắng, hoàn thành 5 bức ảnh chân dung liệt sĩ, kịp trao trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) năm nay. Điều đặc biệt là phía sau hình ảnh liệt sĩ, có lồng thêm hình ảnh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Vậy là sau bao nhiêu năm mong ngóng, đợi chờ, nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ đã được gặp lại người thân của mình một lần nữa qua ánh mắt, nụ cười trong di ảnh. Điều đó thật ý nghĩa biết bao, xúc động biết bao với những liệt sĩ hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt để quy tập về địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Cúc