Sign In

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ góc nhìn Vĩnh Phúc

08:50 24/10/2023
Sau hơn ¼ thế kỷ nhìn lại, khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc là một tỉnh thuần nông nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, thu nhập, đời sống nhân dân thấp, cùng vô vàn khó khăn bộn bề, chồng chất… Đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, đáng kể trên các lĩnh vực, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thậm chí nằm trong tốp đầu. Vĩnh Phúc trở thành tâm điểm của cả nước về sự phát triển mọi mặt, mà khởi nguồn của những thành công đó bắt đầu từ sự đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo của Đảng.

Kỳ 1: “Tiếng gọi” từ cuộc sống

Cuộc sống thôi thúc; trăn trở trước sự đói nghèo của người dân; không chấp nhận sự tụt hậu và không để hổ thẹn với các bậc "tiền nhân", đặc biệt, khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”… đó là "tiếng gọi" đánh thức trái tim, khối óc của những cán bộ, đảng viên mang trọng trách đứng đầu, để chính họ chớp lấy thời cơ, tiên phong sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám dấn thân, dù phía trước còn nhiều thách thức, chông gai, nhằm mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Một thời không dễ quên

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập sau 29 năm sáp nhập với tỉnh Phú Thọ, có 6 đơn vị hành chính, diện tích 1.371 km2, dân số 1,1 triệu người, trong đó, dân số nông nghiệp chiếm hơn 91%, dân tộc ít người chiếm 2,7%.


Trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã 8 lần về thăm, động viên và chỉ dạy tận tình cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu).

Vĩnh Phúc khi tái lập còn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức rất thấp, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, công nghiệp nhỏ bé, thu nhập tính theo đầu người thấp xa so với bình quân chung cả nước.

Về xã hội, tình trạng thiếu việc làm còn nhiều ở cả thành thị và nông thôn, các tệ nạn xã hội, tiêu cực chưa được đẩy lùi; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, khó khăn; đội ngũ cán bộ trong các cơ quan còn thiếu và mới, còn nhiều bất cập với yêu cầu nhiệm vụ…

Khi tái lập, xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh rất thấp, kinh tế thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 52% giá trị GDP, công nghiệp chiếm gần 13%; thu nhập bình quân đầu người chưa bằng 50% mức thu nhập bình quân chung cả nước; tài chính mất cân đối nghiêm trọng; thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng.

Nhớ lại một thời khó quên đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ với báo chí: Những năm đầu, cơ sở làm việc thiếu thốn. Các cơ quan của tỉnh phải làm việc nhờ tại các cơ sở của thị xã Vĩnh Yên, nhưng mọi người đều phấn khởi, làm việc quên mình… Khi đó, phòng làm việc của tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh khác chỉ là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, nhưng chúng tôi luôn nung nấu, quyết tâm tìm mọi giải pháp để Vĩnh Phúc phát triển.

Vĩnh Phúc chập chững, bắt đầu trên chặng đường mới đầy gian khó. Câu hỏi lớn đặt ra cho toàn Đảng bộ là phải bắt đầu từ đâu, bằng cách nào, người Vĩnh Phúc phải làm gì và phải làm thế nào để Vĩnh Phúc “giàu mạnh, phồn vinh” như lời Bác đã căn dặn?

Đi tìm động lực

Câu chuyện về “khoán hộ” của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc những năm 1966 - 1968 một thời gây chấn động cả nước. Ông đã đưa ra và quyết định những quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, đã khởi xướng “khoán hộ”, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và dẹp sang một bên những cánh đồng “cha chung không ai khóc”.


Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc qua các thời kỳ đã tiếp tục hun đúc, bồi đắp nên khí phách của người đảng viên cộng sản từ tư tưởng, tinh thần của Bác (Ảnh tư liệu).

Những thành tựu của khoán hộ cách đây hơn 50 năm không chỉ được đo đếm bằng những con số, quan trọng hơn, nó gợi mở, tạo ra phương pháp luận tư duy khoa học trong quản lý và điều hành sản xuất kinh tế nông nghiệp tập thể.

Chính “khoán hộ”, sau này, là tiền đề để Trung ương cho ra đời “khoán 10” đem lại một thời kỳ đổi thay, phát triển mạnh mẽ cho nền nông nghiệp cả nước. “Khoán hộ” đã thể hiện tầm nhìn trí tuệ, sâu sắc, am tường thực tiễn của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc với tư duy đột phá, “đi trước thời đại”, “mở đường” đã trở thành tấm gương điển hình cho sự đổi mới của cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.

Và không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã dành 8 lần về thăm, động viên và chỉ dạy tận tình cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc.

“Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” trở thành mục tiêu, phương châm và khát vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt hành trình đổi mới, xây dựng, kiến thiết đất nước, quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Song, làm thế nào để Vĩnh Phúc giàu có là vấn đề quá khó nếu chỉ bằng con đường phát triển nông nghiệp truyền thống. Lời giải cho bài toán dần được hình thành.

Đồng chí Bùi Hữu Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, trong một bài viết cho Báo Vĩnh Phúc số ra ngày 1/1/1997 nhấn mạnh: "Nhân dân Vĩnh Phúc có truyền thống cách mạng, cần cù và sáng tạo, ham học hỏi, có chí tiến thủ… Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy trí tuệ cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh".

Những lời tâm huyết của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh thời điểm đó có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, tất cả được chuyển hóa bằng các nghị quyết mang tính “đột phá” của Đảng, từ đó, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng cán bộ, đảng viên, người dân, kết thành sức mạnh, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, không ngừng đâm chồi, nở hoa, kết trái. Sự mong mỏi của người dân, khát vọng “giàu có, phồn vinh” là “tiếng gọi” của cuộc sống, trở thành “bệ phóng” để các thế hệ đảng viên đi tìm câu trả lời bằng cả trái tim, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá.

Bước chuyển căn bản

Nhận diện mình đang ở đâu, có lợi thế gì, sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực đang có, cùng với nắm bắt đúng xu thế vận động, tình hình trong nước, quốc tế… Đại hội Đảng bộ tỉnh đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (Đại hội XII, nhiệm kỳ 1997 - 2000), định hướng phát triển được nêu rõ: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, tập trung mọi nguồn lực tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000… chuyển dịch nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ”.


Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển - Đó là “kim chỉ nam” để Vĩnh Phúc triển khai mọi chính sách, quyết định.
Ảnh: Khánh Linh

Tại Đại hội, các đại biểu còn thống nhất cao với chủ trương: Tranh thủ mọi thời cơ thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào tỉnh nhà nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra một nền công nghiệp hiện đại, tạo nhiều việc làm… Như vậy là đã rõ, Vĩnh Phúc phải đi bằng con đường công nghiệp hóa, với những định hướng rất cụ thể.

Một tỉnh thuần nông, nền tảng “công nghiệp còn nhỏ bé, vốn ít, kinh doanh kém hiệu quả, không có khả năng tự đầu tư…”, nguồn lực cho công nghiệp hầu hết đang ở “tiềm năng”… quyết nghị lấy công nghiệp là nền tảng, động lực phát triển là một “đột phá” trong tư duy, một bước ngoặt mang tính lịch sử.

Từ đây, Vĩnh Phúc chuyển hẳn nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, từ tư duy nông nghiệp sang tư duy công nghiệp, đó là bước chuyển căn bản nhất, là nhân tố quyết định đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh. Có thể coi đó là khởi đầu ghi dấu ấn cho tầm tư duy chiến lược, đánh dấu trang mới trong hoạch định đường lối, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của Đảng bộ Vĩnh Phúc.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (Từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.

Thu Thủy


Tag:

File đính kèm