Kỳ 1: Nhận thức đúng, hành động trúng
Việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương là chủ trương đã được Trung ương triển khai từ khá sớm. Trên cơ sở những nghị quyết, kết luận của Trung ương, các cấp ủy từ tỉnh đến huyện đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chủ trương này, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng
Chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương đã được Đảng ta đề ra từ Nghị quyết số 11 ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ trương này được tiếp tục triển khai trong nhiều nhiệm kỳ.
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô rà soát hồ sơ để tham mưu Huyện ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ.
Qua thực tiễn triển khai, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương đã phát huy nhiều ưu điểm, được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ.
Đồng chí Nguyễn Đức Tẩm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương có khả năng khái quát, nhìn nhận một cách khách quan hơn đối với các vấn đề nổi cộm và định hướng phát triển của địa phương.
Họ không bị ràng buộc, chi phối, áp lực bởi các mối quan hệ thân quen nên khi thực hiện chức trách được giao sẽ đảm bảo tính dân chủ, khách quan và công bằng hơn. Trong quá trình điều hành, cũng tránh được tình trạng cục bộ khép kín, nể nang, né tránh, đi theo lối mòn, giúp các công việc được giải quyết nhanh, hiệu quả hơn, nhất là đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các địa phương.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt
Thấm nhuần quan điểm đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", Tỉnh ủy đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết về công tác cán bộ. Trong đó, việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã được triển khai từ sớm, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy lãnh đạo, quản lý và đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới.
Ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 05 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án số 20 về luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng giai đoạn 2023 - 2025, với những mục tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể.
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương và từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Cơ bản các xã, phường, thị trấn có cán bộ được luân chuyển từ cấp huyện xuống hoặc luân chuyển ngang với ít nhất 40% bí thư cấp ủy và ít nhất 25% chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.
Để việc triển khai đạt hiệu quả cao, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, lựa chọn những cán bộ quy hoạch; xem xét về trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp.
Trước khi luân chuyển, điều động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương cả nơi cán bộ đi và đến để tạo sự thống nhất trong nhận thức về việc thực hiện chủ trương này. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển để động viên, khích lệ cán bộ khi họ phải công tác xa nhà, ở những địa bàn khó khăn.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2024, Vĩnh Phúc đã luân chuyển, điều động 88 cán bộ. Trong đó, điều động luân chuyển từ khối chính quyền sang khối Đảng, đoàn thể 1 đồng chí; từ khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền 6 đồng chí; từ tỉnh về huyện, xã 26 đồng chí và từ huyện, xã lên tỉnh 16 đồng chí.
Chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương còn được các huyện, thành phố triển khai tích cực. Điển hình như huyện Sông Lô, việc triển khai chủ trương này được thực hiện theo đúng lộ trình, không nóng vội, chủ quan, làm đến đâu chắc đến đó.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô Trần Văn Tuyên cho biết: Ngoài luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển bí thư Đảng ủy từ xã này sang xã khác.
Trước khi thực hiện luân chuyển, huyện tiến hành đánh giá cán bộ nghiêm túc, chặt chẽ; rà soát địa bàn cần bố trí; làm tốt công tác tư tưởng; đảm bảo giao đúng người, đúng việc. Đến nay, huyện đã có 9/17 xã, thị trấn có bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, đạt 53%, vượt 13% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 08. Đối với chức danh chủ tịch UBND, đến nay, huyện có 5/19 đơn vị cấp xã chủ tịch UBND không phải là người địa phương.
Với sự chỉ đạo đồng bộ, đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố có bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; có 53/135 xã, phường, thị trấn có bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện bố trí được 7/9 chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương; nhiều xã, phường, thị trấn đã có cả chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND không phải là người địa phương.
Bài, ảnh: Kim Ngân - Thanh Huyền