Sign In

Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại Đảng bộ tỉnh Đắk Nông

08:42 24/08/2023
Đắk Nông là một tỉnh miền núi - biên giới, nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 6,509,27 km2, dân số khoảng 670.000 người, có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống; có 141km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Munđulkiri, Vương quốc Campuchia. Đảng bộ hiện có 12 đảng bộ trực thuộc, 440 tổ chức cơ sở đảng với hơn 27.259 đảng viên.

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XII, UBKT Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng: Tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy khóa XII, Chương trình công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm; các quy chế phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 11/6/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Thường xuyên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo UBKT cấp dưới tham mưu cấp ủy quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ UBKT các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp kiểm tra 753 tổ chức và 10.522 đảng viên; giám sát chuyên đề 334 tổ chức và 2.085 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 04 đảng viên và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 01 trường hợp; xem xét, thi hành kỷ luật 399 đảng viên và 05 tổ chức đảng; trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý kỷ luật đối với 23 đảng viên.

UBKT các cấp đã kiểm tra đối với 23 tổ chức và 315 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát sát chuyên đề 231 tổ chức và 146 đảng viên; kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng 410 tổ chức; giải quyết 43 đảng viên có đơn thư tố cáo; thi hành kỷ luật 03 tổ chức đảng và 189 đảng viên; kiểm tra tài chính Đảng về thu, nộp ngân sách và thu nộp đảng phí 320 tổ chức và 2.585 đảng viên. Kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập 27 trường hợp.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện đúng quy trình, quy định. Nội dung tập trung kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị trong thực hiện các quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Thông qua kết quả kiểm tra, giám sát đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và có biện pháp, giải pháp khắc phục góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay còn có một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, việc UBKT các cấp chủ động để tự phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên số lượng ít, có nhiều UBKT cấp huyện chưa tự phát hiện để kiểm tra được. Các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp chủ yếu được phát hiện, kiểm tra từ nội dung các kết luận thanh tra, cơ quan điều tra, đơn thư tố cáo, phản ánh giấu tên nhưng có địa chỉ, nội dung, đối tượng cụ thể hoặc từ nguồn báo chí phản ánh đã được kiểm chứng...

Hai là, tính tự giác, tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng, đảng viên chưa cao, còn nể nang, né tránh. Qua thực tế cho thấy, ở một số tổ chức đảng, đảng viên khi tổ chức cấp trên kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, kết luận có nhiều vi phạm, khuyết điểm, tồn tại, kéo dài trong nhiều năm, hậu quả để lại nặng nề, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, phải xem xét, xử lý kỷ luật, có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng kết quả kiểm điểm, phân loại đánh giá tổ chức, cá nhân hằng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp hoàn thành xuất sắc và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Mặt khác, tại các cuộc họp chi bộ để tổ chức kiểm điểm đối với đảng viên, mặc dù nội dung vi phạm đã rõ, nhưng các ý kiến tham gia tập trung trình bày nguyên nhân khách quan, để giảm nhẹ vi phạm cho đồng chí mình, ít có ý kiến thắn thắn góp ý, hơn nữa khi bỏ phiếu kín đề nghị chưa tương xứng với vi phạm theo quy định.

Ba là, một số cấp ủy, tổ chức đảng do sợ ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ và thành tích của đơn vị nên khi phát hiện có khuyết điểm, vi phạm đối với cán bộ, đảng viên thuộc cấp mình quản lý, không xem xét, xử lý nghiêm túc và chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm, dẫn tới phát sinh đơn thư tố cáo. Khi tổ chức đảng cấp trên khảo sát, phát hiện và tiến hành kiểm tra, thì thời gian đã kéo dài, để lại nhiều hậu quả, phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng. Vì những trường hợp này, nếu được xử lý sớm từ khi phát hiện sẽ giúp đảng viên kịp thời sửa chữa, khắc phục hậu quả và tiến bộ.

Bốn là, việc thực hiện kiểm tra việc kê khai, tài sản, thu nhập cá nhân trong quá trình thẩm tra, xác minh còn có một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, đối với các cá nhân điều động, luân chuyển về công tác tại tỉnh nhưng có hộ khẩu thường trú ở các huyện hoặc ngoài tỉnh;quá trình thẩm tra, xác minh cần có sự phối hợp, để xác định chính xác tài sản, thu nhập cá nhân, nhất là liên quan đến quyền sử dụng đất, tiền vay nợ, gửi tiết kiệm ngân hàng nên mất nhiều thời gian, khó khăn. Nếu chỉ dựa vào tính trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, thì chưa đủ cơ sở vững chắc để các đoàn kiểm tra trình cho UBKT họp xem xét, kết luận.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc do một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tính tự giác, tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng, đảng viên chưa cao; UBKT một số đơn vị chưa chủ động tham mưu, còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên; trình độ, năng lực chuyên một số cán bộ làm công tác kiểm tra còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị; Phát huy tinh thần tự phê của mỗi cán cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, UBKT các cấp cần xác định kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Tăng cường giám sát, theo dõi địa bàn, trong đó tập trung ở lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.UBKT các cấp chủ động tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đảm bảo đúng quy trình, quy định. Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, giám sát của UBKT cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy, UBKT các cấp xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT các cấp bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ngoài ra, UBKT Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành quy trình hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể về kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập để UBKT các thành ủy, tỉnh ủy và các đảng ủy trực thuộc thực hiện, nhất những nội dung cần phải lưu ý thực hiện thẩm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với cá nhân.

Đường Hồng Thắng

Ủy viên UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông

 


Tag:

File đính kèm