Sign In

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

14:31 03/07/2023
Trong những năm qua, nhiều sai phạm, tham nhũng, tiêu cực của nhiều cơ quan, đơn vị và các cá nhân đã được báo chí phát hiện, điều tra và phản ánh. Ngoài nhiệm vụ giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan trong hệ thống chính trị, báo chí còn huy động sức mạnh của toàn dân trong việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả  phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí là một trong những công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc ngăn ngừa và vạch trần tệ tham nhũng(1).Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật... Cụ thể, Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về quyền cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí.

Thời gian qua, báo chí đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc phát hiện các vi phạm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả. Nhiều vấn đề sai phạm được báo chí phát hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... góp phần loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi hệ thống chính trị. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong công tác này là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo.Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta(2).

Với vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo có trách nhiệm cung cấp thông tin, phát hiện, phản ánh các sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện chức năng thông tin, báo chí cung cấp cho công chúng một hệ thống thông tin thông suốt, nhanh nhạy và trung thực. Ngoài vai trò cung cấp thông tin, giám sát cũng là một trong những vai trò quan trọng khác của báo chí. Thực hiện chức năng giám sát, báo chí đánh giá, theo dõi việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong đội ngũ cán bộ, sớm phát hiện những sai phạm, tình trạng lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. Hiệu quả của vai trò giám sát thể hiện thông qua việc định hướng dư luận ủng hộ hoặc chỉ trích, đồng thời tạo áp lực dư luận xã hội, từ đó buộc các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.

Nhiều vụ việc vi phạm, vi phạm nghiêm trọng đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu của tham nhũng, lợi ích nhóm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý được báo chí phát hiện. Với các biểu hiện sai phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng tinh vi, phức tạp, báo chí đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc phát hiện sai phạm làm cơ sở quan trọng để các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành kiểm tra, giám sát, từ đó xử lý nghiêm minh đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Thực tế đã cho thấy, báo chí thường xuyên phản ánh các hành vi sai phạm, cảnh cáo, răn đe đối với những biểu hiện tha hóa quyền lực, vi phạm đạo đức, lối sống và những lời cảnh báo đó đã trở thành sự thật. Khi UBKT các cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên thì báo chí là một trong những nguồn thông tin phản ánh hiệu quả, chính xác. Do đó, các cấp ủy, UBKT các cấp từ Trung ương đến địa phương cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Hơn nữa, UBKT các cấp cũng cần kịp thời thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật cho báo chí nhằm tuyên truyền công khai, góp phần ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe đối với những hành vi lạm quyền, lộng quyền.

Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh, báo chí đã có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, điều tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng “Phó Chủ tịch tỉnh bất ngờ đem xe riêng hạng sang sung công quỹ” Báo VietNamNet, ngày 31/5/2016; “Nhập nhằng biển trắng, biển xanh”, Báo Nhân dân hằng tháng, ngày 29/7/2016...). Tiếp đó, báo chí tiếp tục phát hiện hàng loạt vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quản lý kinh tế của cán bộ, đảng viên như vụ án Sabeco (“Ai để Sabeco ‘bán’ rẻ đất vàng ngàn tỉ?” Báo Tuổi trẻ, ngày 2/7/2018); thông tin, phản ánh vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,các vụ việc vi phạm trong công tác quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tại nhiều địa phương như vụ bổ nhiệm “thần tốc” Giám đốc sở 30 tuổi tại tỉnh Quảng Nam, bổ nhiệm Phó Vụ trưởng 26 tuổi tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ,bổ nhiệm giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khi chưa đủ điều kiện. Hay gần đây nhất, báo chí đã tuyên truyền, thông tin đến dư luận về những sai phạm trong lĩnh vực y tế như nâng khống giá thiết bị, vật tư; vụ nâng giá kit test Covid-19 ở Công ty Việt Á, vụ án xảy ra tại Công ty AIC, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án “thao túng thị trường Chứng khoán” tại Tập đoàn FLC... Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2019, đã có hơn 10.000 tin, bài phản ánh về các đề tài phòng, chống tham nhũng được đăng tải trên 40 tờ báo Trung ương và địa phương(3);trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan báo chí trên cả nước đã có hơn 5.000 tin, bài về phòng chống tham nhũng, tiêu cực(4). Con số này nói lên sự tham gia tích cực, quan trọng của các cơ quan báo chí, qua đó cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thông qua các vụ việc phát hiện vi phạm đối với cán bộ, đảng viên, với các vụ việc được đưa ra xét xử nghiêm minh, báo chí ngày càng tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Sự phát hiện và đồng hành liên tục của báo chí là một phương thức kiểm soát quyền lực hiệu quả đối với công tác cán bộ. Hơn nữa, với chức năng cung cấp thông tin đa chiều, báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghiêm các quy định về thực thi công vụ, các nguyên tắc trong điều hành, quản lý và lãnh đạo. Đây là kết quả quan trọng, có ý nghĩa chính trị đối với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện vi phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Việc phát hiện, đấu tranh với các sai phạm nhiều nơi, nhiều lúc vẫn còn bị động vì không thể tiếp cận được nguồn tin chính xác. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn chưa phối hợp thường xuyên với báo chí...

Để phát huy vai của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện đồng bộ hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần quán triệt thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm. Cần thống nhất đấu tranh phát hiện các dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thứ hai, khi thông tin, phản ánh về dấu hiệu vi phạm, đội ngũ nhà báo phải có căn cứ, bằng chứng rõ ràng, không quy chụp, không võ đoán. Muốn thực hiện tốt điều này đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết về nghiệp vụ điều tra, phương pháp tác nghiệp khoa học, phù hợp với thực tế, nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Vì vậy, báo chí cần đề cao tính khách quan, trung thực... trong việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm; ngăn ngừa tình trạng đưa thông tin sai sự thật, không chính xác từ đó làm giảm tính hiệu quả và sức mạnh của báo chí trên mặt trận này. Bên cạnh đó, để thông tin, phản ánh chính xác đội ngũ nhà báo cần liên tục trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức trong quá trình tác nghiệp.

Thứ ba, cần có cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực báo chíphát hiện các vi phạm đối với cán bộ, đảng viên. Các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà báo trong tác nghiệp phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng, tuyên dương đối với các nhà báo có công trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan chức năng như kiểm tra, giám sát, thanh tra, nội chính, công an và các đoàn thể chính trị xã hội trong việc nhận diện, phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống tiêu cực.

Nhận diện, phát hiện các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên - một mắt xích quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tính chất này đặt ra nhiệm vụ đối với báo chí, đội ngũ người làm báo cần phải kiên trì, giữ được sự trung thực, khách quan cùng đồng hành các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước thực hiện tốt vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị của nước ta./.

Nguyễn Tấn Toàn

Chú thích:

(1,2) Nguyễn Phú Trọng (2023): Kiên quyết, kiên trìđấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 97

 (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, t.II, tr. 207

 (4) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17/8/2022.

 


Tag:

File đính kèm